Người dân ở thủ đô Bangkok, Thái Lan đeo khẩu trang nhằm phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Bà Gita Sabharwal, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Thái Lan cho rằng, thành công này là nhờ vào sự kết hợp giữa hành động của Chính phủ, trách nhiệm xã hội và sự đoàn kết cộng đồng.
Với phản ứng tổng thể và khả năng kiểm soát sự lây nhiễm dịch bệnh của Thái Lan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định quốc gia này, cùng với New Zealand, là câu chuyện thành công trong việc đối phó với đại dịch. Tất nhiên, thành công đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự thận trọng cảnh giác liên tục, cách tiếp cận toàn xã hội và tăng cường xét nghiệm để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 2, trong bối cảnh biên giới mở cửa và các hoạt động kinh tế đầy đủ được nối lại.
Tại Thái Lan, tác động kinh tế từ đại dịch được đánh giá là nghiêm trọng, với các dự báo nền kinh tế quốc gia này sẽ thu hẹp 8,1% trong năm 2020. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 65% người dân ở Thái Lan khẳng định, thu nhập của họ hoàn toàn hoặc rất không đủ trong điều kiện đại dịch. Trong đó, bà Gita Sabharwal lưu ý, các cộng đồng dễ bị tổn thương đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng này.
Hỗ trợ tiền mặt và các khoản vay
Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã đặt ra cách tiếp cận của LHQ bằng kế hoạch trách nhiệm chung, đoàn kết toàn cầu để chống lại các tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một phản ứng toàn diện của Chính phủ và toàn xã hội.
Sự đóng góp của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan cho quỹ ứng phó với đại dịch của LHQ nói lên trách nhiệm chung này. Tương tự, vai trò của 1 triệu tình nguyện viên y tế, 2/3 trong số đó là nữ giới, trong việc truy vết COVID-19 trên khắp Thái Lan nói lên cách tiếp cận toàn xã hội.
Bên cạnh đó, các gói kích thích của Chính phủ Thái Lan được đánh giá toàn diện, nhanh chóng và được sắp xếp hợp lý, chiếm 15% GDP. Gần 1/2 số người được hỏi trong một cuộc khảo sát gần đây cho hay, họ đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ. Các ước tính chỉ ra, trong khi chi tiêu của Chính phủ đang nổi lên là phương tiện hiệu quả nhất để hỗ trợ tăng trưởng và việc làm, thì việc hỗ trợ tiền mặt, theo sau đó là các khoản vay mềm là những biện pháp tốt nhất tiếp theo.
Tăng cường sức khỏe và bảo vệ xã hội
Chiến lược của LHQ tại Thái Lan tập trung đầu tư vào các quan hệ đối tác với quan điểm rõ ràng để xây dựng lại tốt hơn, trong khi giữ cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đi đúng hướng. Kế hoạch kết hợp phản ứng sức khỏe trực tiếp dựa trên nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau, trong khi đầu tư vào các chính sách hướng tới tương lai để bảo vệ việc làm và các nền kinh tế, cũng như tăng cường vốn xã hội.
Phản ứng về sức khỏe ngay lập tức sẽ tập trung vào việc hỗ trợ Chính phủ tăng cường năng lực giám sát và phòng thí nghiệm, tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực tư nhân và khu vực công trong việc nghiên cứu vắc-xin và thử nghiệm một dịch vụ y tế “bình thường mới” thông qua hệ thống y tế từ xa. Đồng thời đảm bảo các nhóm dễ bị tổn thương như người di cư và người tị nạn có thể tiếp cận thiết bị bảo hộ cá nhân và các dịch vụ y tế.
Xây dựng lại một xã hội công bằng hơn
Thông qua việc hợp tác với các cộng đồng địa phương, LHQ đang nhân rộng mô hình du lịch bền vững nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, liên kết các chuỗi cung ứng với các thị trường để tăng cường mạng lưới quản lý thực phẩm cộng đồng, cũng như hợp tác với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ công nghệ xanh nhằm khởi động nền kinh tế địa phương, và hỗ trợ đối thoại với thanh niên trên khắp Thái Lan để giới thiệu những đổi mới sáng tạo giúp tạo ra việc làm cho những người bên lề xã hội, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng.
Một sự phục hồi mạnh mẽ sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ kinh tế bền vững, tư duy dài hạn và những chính sách bao gồm sự tập trung vào việc xây dựng lại tốt hơn để khởi động các nền kinh tế địa phương và cho phép sự phục hồi xanh.
Được biết, hơn 1/3 người dân ở Thái Lan đã quyên góp tiền mặt, thực phẩm hoặc vật tư trong đại dịch, hầu hết các khoản quyên góp trị giá dưới 5.000 baht (khoảng 160 USD). Theo Điều phối viên thường trú của LHQ tại Thái Lan, điều này nói lên vốn xã hội của đất nước và theo nhiều cách, đó là chất keo gắn kết xã hội lại với nhau.
Bà Gita Sabharwal nhấn mạnh: “Chúng ta đã chứng kiến ở Thái Lan và trên thế giới rằng, COVID-19 gây ra những thách thức chưa từng có, nhưng cũng có cơ hội để xây dựng lại tốt hơn”.
LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News)