Thế giới

Thế giới ghi nhận 216, 4 triệu ca mắc, 4,5 triệu ca tử vong do COVID-19

ClockChủ Nhật, 29/08/2021 08:11
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h (giờ Việt Nam) ngày 28/8, thế giới đã ghi nhận 216.412.473 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.502.904 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, đã có 193.408.016 bệnh nhân bình phục và vẫn còn 18.501.553 bệnh nhân đang phải điều trị.

Biến thể Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập việnBất bình đẳng về vaccine có thể gây tổn thất hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 39.540.401 ca mắc và 653.405 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.652.754 ca mắc và 437.501 ca tử vong; Brazil với 20.703.906 ca mắc và 578.396 ca tử vong. 

Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca mới và tử vong do COVID-19 vẫn ở mức cao trong 24 giờ qua, đặc biệt Philippines ghi nhận số ca mới cao nhất lần thứ 3 trong 9 ngày qua, với 19.441 ca mới và 167 ca tử vong; Malaysia với 22.597 ca mới và 252 ca tử vong; Indonesia 10.050 ca mới và 591 ca tử vong; Thái Lan có thêm 17.984 ca mới và 292 ca tử vong, Lào 115 ca mới.

Tại Lào, các cơ sở điều trị đang được mở rộng để đảm bảo ứng phó đầy đủ với số ca mắc mới ngày càng tăng. Nước này hiện có 20 bệnh viện và 22 bệnh viện dã chiến để phục vụ việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, khoảng 3.000 nhân viên y tế dịch tễ và nhân viên dự phòng cùng tình nguyện viên đang tích cực tham gia điều trị cho người mắc COVID-19 trên cả nước. 

Còn tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ lớn thứ 2 ở vùng đô thị Manila cho đến ngày 7/9. Mặc dù một số cơ sở kinh doanh có thể hoạt động tới 50% công suất, song hoạt động ăn uống bên trong nhà hàng, dịch vụ chăm sóc cá nhân và mọi hoạt động tôn giáo vẫn bị cấm tại vùng đô thị Manila, hiện là tâm dịch với số ca mắc chiếm 1/3 và số ca tử vong chiếm 1/4 trong tổng số ca. Ngoài ra, 9 tỉnh và 6 thành phố khác của Philippines vốn đang đương đầu với số ca mắc gia tăng cũng được áp đặt các biện pháp hạn chế cấp độ lớn thứ 2 này. Hiện Chính phủ Philippines đặt kỳ vọng phục hồi kinh tế vào chương trình tiêm chủng quốc gia vốn được triển khai từ tháng 3. Cho đến nay, Philippines đảm bảo có được 194,89 triệu liều vaccine, đủ để tiêm cho khoảng 100,5 triệu người (hơn 100% số người trưởng thành của nước này). Gần 49 triệu liều đã được giao trong khi 42 triệu liều khác sẽ đến trong vòng 1 tháng.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ ngày 28/8 ghi nhận 46.759 ca mới trong 24 giờ qua. Đây là mức cao nhất trong gần 2 tháng, trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh tại bang miền Nam Kerala, nơi chiếm khoảng 2/3 số ca nhiễm của cả nước.

Trước đó, ngày 27/8, Ấn Độ đã lập kỷ lục tiêm 10,2 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1. Kỷ lục tiêm chủng trước đó của Ấn Độ là 8,8 triệu mũi ghi nhận ngày 21/6. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay nhưng mới chỉ khoảng 15% được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Ấn Độ hiện phê chuẩn 3 loại vaccine gồm Covishield của AstraZeneca-Oxford, Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ) và Sputnik V của Nga.

Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ, có thêm 4.191 ca mới và 120 ca tử vong, nâng tổng số ca lên 1.148.572 ca và 25.535 ca tử vong. 

Trong khi đó, bang New South Wales (NSW) của Australia vẫn đang phải chứng kiến số ca mới không ngừng tăng, với mức kỷ lục là 1.035 ca vào ngày 28/8.  Như vậy, bang NSW với hơn 9 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số Australia, đã ghi nhận hơn 18.000 ca COVID-19 tại địa phương, phần lớn được báo cáo trong đợt bùng phát mới nhất bắt đầu từ ngày 16/6. Trong khi khu vực Tây Nam và Tây Sydney là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dịch bệnh hiện đã lan về các vùng nông thôn rộng lớn ở NSW và tấn công các địa phương lân cận bao gồm Vùng lãnh thổ Thủ đô (ACT), bang Victoria và cả nước New Zealand, gây ra các ổ dịch lớn đang ngày càng lan rộng.

Một số chuyên gia cho rằng số ca cao ở bang NSW là do việc áp dụng quá chậm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, bên cạnh những thách thức mà biến thể Delta gây ra.

Theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature mới đây cho thấy người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus khoảng gần 2 ngày trước khi có triệu chứng. Đây được xem làm một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây. Sự lây nhiễm tiền triệu chứng là một đặc điểm của các biến thể trước đó khi nghiên cứu trên cho thấy khoảng cách từ lúc có kết quả dương tính tới lúc xuất hiện các triệu chứng là 0,8 ngày. Tuy nhiên, với biến thể Delta, khoảng thời gian này là 1,8 ngày. Do đó, gần 3/4 số ca nhiễm biến thể Delta xảy ra trong giai đoạn tiền triệu chứng.

Giám đốc y tế của Lực lượng chống dịch COVID-19 của DispatchHealth, một dịch vụ chăm sóc y tế theo yêu cầu, Stefen Ammon cho rằng "biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn một phần là bởi những người mắc bệnh mang và làm bắn ra nhiều virus hơn so với các chủng trước đó". Theo chuyên gia này, trong khi các chủng virus trước đó có khả năng lây nhiễm giống như cảm lạnh thông thường thì biến thể Delta có mức độ lây nhiễm còn hơn cả cúm mùa, bệnh bại liệt, đậu mùa, Ebola, cúm gia cầm và có mức độ lây nhiễm tương đương bệnh thủy đậu.

Do mức độ lây nhiễm cao nên biến thể Delta đã trở thành biến thể lây lan chính trên thế giới hiện nay. Số người nhiễm biến thể này cũng chiếm hơn 90% số ca bệnh tại Mỹ. Trong khi vaccine vẫn có hiệu quả cao để ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 thì các nghiên cứu cho thấy những người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus, còn gọi là "các ca lây nhiễm đột phá", có thể có tải lượng virus cao ngang với những người chưa tiêm vaccine, điều đó tức là họ vẫn có thể lây lan dịch bệnh. Dù vậy, những nghiên cứu gần đây vẫn cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 với sức khỏe cá nhân và hạn chế sự lây nhiễm.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi

Suy thoái kinh tế được nhận định là một thách thức to lớn và thường xuyên xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Từ cuộc đại suy thoái đến đại dịch COVID-19 gần đây, các quốc gia đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khi định hình lại các cấu trúc và đòi hỏi phải can thiệp chính sách chiến lược.

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi
Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn

Một nghiên cứu của Mỹ vừa được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy, những người nhiễm HIV có thể an toàn nhận thận hiến tặng từ những người hiến tạng nhiễm HIV đã chết. Điều này có thể giúp rút ngắn thời gian chờ đợi để được ghép tạng trên diện rộng, bất kể tình trạng HIV của bệnh nhân.

Việc ghép thận giữa những người nhiễm HIV vẫn an toàn
Return to top