Như vậy chỉ hai ngày sau khi đưa ra quyết định tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA), chính quyền ông Donald Trump đã ngay lập tức vấp phải rào cản pháp lý. Nhiều câu hỏi đặt ra là liệu quyết định nêu trên sẽ có chịu chung thất bại như sắc lệnh cấm nhập cảnh mới được ban bố thời gian gần đây hay không.
|
Một phụ nữ Mỹ biểu tình đòi giữ lại DACA. Ảnh: Reuters |
Đơn kiện được đệ trình tại tòa án liên bang quận phía Đông New York nhằm bảo vệ những người được hưởng lợi ích từ chương trình DACA, ngăn chặn quyết định của Tổng thống Donald Trump và tìm cách duy trì chương trình này.
Trong đơn nêu rõ, việc bãi bỏ DACA thể hiện sự phân biệt đối xử đối với người nhập cư, vi phạm luật pháp liên bang. Những người đứng đầu cơ quan tư pháp các tiểu bang cũng cho rằng, thông tin của người thuộc diện hưởng DACA cung cấp cho nhà chức trách có thể chống lại họ và phục vụ cho mục đích cưỡng chế nhập cư, trong đó có việc xác định, giam giữ hoặc trục xuất.
Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman – người dẫn đầu vụ kiện cho biết, có 42.000 người New York tham gia DACA, do đó nếu chương trình này chấm dứt sẽ làm đảo lộn cuộc sống của họ và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho bang này.
Phát biểu tại Trường tư pháp John Jay ở New York, ông Schneiderman nói: “Những người nằm trong chương trình DACA là những lao động làm việc rất chăm chỉ và tham gia đóng thuế đầy đủ. Do đó họ xứng đáng được ở trên đất Mỹ.
Đó là lý do tại sao tôi thông báo, New York đã tham gia liên minh gồm 15 bang và đặc khu Columbia đệ đơn kiện lên tòa án liên bang quận phía đông New York đế ngăn chặn nỗ lực phá hủy cuộc sống của họ”.
Trước vụ kiện này, Bộ Tư pháp Mỹ ngay lập tức liên tiếng bảo vệ quyết định của Tổng thống Donald Trump, đồng thời cho rằng DACA cần phải bị hủy bỏ vì được thực hiện theo chỉ thị của cựu Tổng thống Obama chứ không qua Quốc hội.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Mỹ Paul Ryan cũng ủng hộ động thái của ông Trump: “Tôi nghĩ Tổng thống Donald Trump đã hành động đúng đắn và Tổng thống đã cho chúng ta thời gian để tìm kiếm sự thỏa hiệp. Tôi tin rằng các thành viên trong quốc hội sẽ làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp cho vấn đề này”.
Theo đánh giá của các chuyên gia luật, đây sẽ là một cuộc chiến dai dẳng và kéo dài bởi hầu hết các tòa án tại Mỹ đều phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra mọi quyết định liên quan đến nhập cư, vì vấn đề này ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia.
Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của Tổng thống Obama trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những đối tượng đến Mỹ bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi. Chương trình này cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất.
Trong 5 năm qua, khoảng 800.000 được đưa tới Mỹ khi chưa thành niên đã tham gia chương trình này để tránh bị trục xuất. Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời trên đất Mỹ đã bị khép lại khi ngày 5/9 vừa qua, Tổng thống Donald Trump quyết định bãi bỏ DACA và để cho Quốc hội Mỹ 6 tháng bàn thảo nhằm nghiên cứu dự luật thay thế.
Giới quan sát cho rằng đây là một quyết định khôn khéo của Tổng thống Donald Trump, có thể giúp ông giành được sự ủng hộ và lật ngược thế cờ so với sắc lệnh cấm nhập cư trước đây.
Bằng cách thiết lập thời hạn 6 tháng để Quốc hội ra quyết định về việc có chấm dứt DACA hay không và kéo dài ảnh hưởng của chương trình này trong 2 năm tới cho đến khi giấy phép lao động của những người theo chế độ này hết hạn, Tổng thống Donald Trump đã đặt tất cả áp lực lên các nghị sĩ.
Điều này sẽ khiến cho việc ủng hộ kéo dài chương trình DACA trong Quốc hội trở nên khó khăn hơn. Tại Hạ viện, các nghị sĩ sẽ phải thông qua việc phản đối những người nhập cư này. Tại Thượng viện cũng cần ít nhất 60 phiếu bầu mới có thể phản đối việc chấm dứt DACA../.
Theo VOV