Ảnh minh hoạ. Nguồn: un.org
Khi các quốc gia thịnh vượng, những kỳ vọng về cơ sở hạ tầng dịch vụ y tế tốt hơn và điều kiện sống lành mạnh hơn sẽ tăng lên. Việc đạt được kết quả sức khỏe tốt hơn đòi hỏi phải có đủ nguồn lực, cũng như những cách tiếp cận sáng tạo để quản lý chăm sóc sức khỏe theo những cách mới, hiệu quả hơn, với chất lượng tốt hơn và chi phí thấp hơn.
Ông Takehiko Nakao cho rằng, Chiến lược năm 2030 của ADB và những nguyện vọng của tổ chức này đối với khu vực châu Á và Thái Bình Dương là hoàn toàn phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững và lời kêu gọi toàn cầu về bao phủ y tế toàn cầu.
"Chúng tôi mong muốn hợp tác với WHO để giúp đạt được bao phủ y tế toàn cầu, tăng cường an ninh y tế chống lại các đại dịch thông qua việc giám sát và hỗ trợ phòng thí nghiệm, cải thiện sức khỏe đô thị, chăm sóc người cao tuổi và những tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương", Chủ tịch ADB lưu ý.
ADB kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án y tế, cũng như những khía cạnh y tế của các dự án đa ngành, cho phép khu vực châu Á và Thái Bình Dương đạt được và duy trì bao phủ y tế toàn cầu. Những khoản đầu tư này có thể được tuyên bố và củng cố bằng sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của WHO, được điều phối theo Biên bản ghi nhớ của ADB - WHO ký kết hồi tháng 9/2018.
Cụ thể, Biên bản ghi nhớ kêu gọi ADB và WHO tiến hành phân tích và nghiên cứu chính sách chung, hợp tác sản xuất và chia sẻ những sản phẩm tri thức thông qua các hội thảo và hội nghị, đồng thời tăng cường các mạng lưới quốc tế và khu vực…
"Sự hợp tác giữa ADB và WHO có thể giúp cải thiện sức khỏe và phúc lợi của người dân, đặc biệt thông qua những lĩnh vực hợp tác đã được xác định, như hỗ trợ bao phủ y tế toàn cầu, bao gồm khả năng chi trả và khả năng tiếp cận các sản phẩm y tế, tăng cường nguồn nhân lực cho sức khỏe, cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời tăng cường phòng ngừa và ứng phó với các thảm họa", Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của WHO, bà Poonam Khetrapal Singh cho hay.
Về phần mình, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, ông Takeshi Kasai nhấn mạnh: "Những dấu hiệu của một số cuộc khủng hoảng trước mắt là rõ ràng: Dân số đang già đi và các căn bệnh không lây nhiễm đang gia tăng; đại dịch tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào; ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu gây thiệt hại khổng lồ đối với sức khỏe; và quá nhiều người trong khu vực này vẫn không thể tiếp cận được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có thể chi trả. Đây là những thách thức chính mà chúng tôi sẽ làm việc với ADB và tập trung sự hỗ trợ của chúng tôi cho các quốc gia trong 5 năm tới".
Trong năm 2019, ADB dự kiến cam kết hơn 700 triệu USD cho các dự án y tế; bao gồm tăng cường các hệ thống y tế địa phương tại Việt Nam; thiết lập hệ thống y tế kỹ thuật số tại Tonga; thí điểm các can thiệp chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc, và hỗ trợ cải cách chính sách tài chính y tế ở Armenia.
|
Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse & ADB)