ClockChủ Nhật, 26/03/2017 09:47

ADMM & ADMM+: Điểm mạnh & thách thức

TTH - Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) được coi là những hội nghị quốc phòng chính yếu của khu vực châu Á, với những điểm mạnh đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự cạnh tranh về trật tự đa phương ở Đông Á mà Trung Quốc và Hoa Kỳ theo đuổi ngày càng rõ nét, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và tranh chấp Biển Đông, thì chủ nghĩa đa phương quốc phòng - dưới hình thức ADMM & ADMM+, cũng là một phần quan trọng của trật tự khu vực và có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh quyền lực đang gia tăng.

Đại diện các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2016 tại Lào. Ảnh: The Diplomat

Điểm mạnh của ADMM & ADMM+

Theo phân tích và nhận định của The Diplomat, ADMM & ADMM+ có hai điểm mạnh chính. Thứ nhất, ADMM và ADMM+ là những cuộc họp duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tập hợp đủ các Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và 18 nước mở rộng trong khu vực, để trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề an ninh. Đối thoại với quy mô như vậy - cả ở cấp độ đa phương và trong các cuộc họp song phương bên lề - được đánh giá có vai trò quan trọng vì nó giúp tạo ra sự hiểu biết chung.

Thứ hai, sự hợp tác mang tính thực tiễn của ADMM & ADMM+ thông qua các cuộc tập trận chung cũng góp phần nâng cao năng lực cho các nước ASEAN trong việc ứng phó với các thách thức về an ninh khu vực.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, một điểm mạnh nữa có thể kể đến là vai trò trung tâm của ASEAN trong ADMM+. Đây là một diễn đàn rất có ích và liên quan đến các bên cụ thể khi nó có sự độc lập trong nhận thức và mang tính trung lập giữa các cuộc cạnh tranh quyền lực. Sự ưu tiên của các đối tác đối thoại về vai trò trọng tâm của ASEAN trong ADMM+ chính là một dấu hiệu đáng khích lệ cho hiệp hội. Tuy nhiên, sự cạnh tranh Trung - Mỹ có thể sẽ gây bất lợi cho ADMM & ADMM+ trong việc tiến hành thảo luận thẳng thắn về các vấn đề an ninh.

Những thách thức đối mặt

Song song với những điểm mạnh nói trên, không thể phủ nhận khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. The Diplomat cho rằng, mâu thuẫn giữa lợi ích khu vực và lợi ích quốc gia của các nước thành viên có nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ giữa các thành viên ASEAN. Ngoài ra, nguyên tắc về sự đồng thuận của ASEAN cũng đặt ra thách thức đối với sự hợp tác của ADMM+, khi các nước mở rộng tham gia ADMM+ có nhiều lợi ích khác nhau trong các vấn đề chính của khu vực.

Một thách thức thứ ba đối với ADMM & ADMM+ là thiếu thể chế hoá và sự khác nhau trong mức độ năng lực giữa các quốc gia thành viên. Năng lực quân sự khác nhau được cho là rào cản, gây trở ngại cho việc hợp tác sâu hơn về chức năng, trong khi sự chênh lệch về năng lực ngoại giao cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo của các nước giữ chức chủ tịch ADMM+ tương ứng từ năm này sang năm khác.

Chờ đợi gì vào các kỳ ADMM & ADMM+

Sắp tới, ADMM & ADMM+ cần củng cố các cuộc tập trận theo hướng tốt nhất, cũng như đưa ra các chiến lược để giải quyết những thách thức đối với ngoại giao quốc phòng trong khu vực. Về vấn đề này, Viện nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam cho rằng, các nước cần tiếp tục xây dựng năng lực quân sự. Các quốc gia ASEAN cũng nên nêu rõ loại hình và mức độ hỗ trợ mà mình yêu cầu từ các đối tác đối thoại.

Trong khi đó, để tránh bất kỳ sự bất ổn nào trong các mối quan hệ, các quốc gia thành viên cần đảm bảo các lợi ích và thiện chí đạt được từ các cuộc tập trận chung và huấn luyện quân sự có thể vượt ra ngoài các hoạt động đó. ADMM & ADMM+ cần quảng bá các quy tắc chung và các chuẩn mực về hành vi trong các không gian hàng hải và hàng không khu vực, giúp thiết lập các quy tắc ứng xử trong các trường hợp khẩn cấp, cũng như đóng góp vào mục tiêu rộng hơn là một trật tự khu vực dựa trên nguyên tắc.

Đồng thời, các nhà phân tích quân sự cũng đề cập đến việc thể chế hóa ADMM & ADMM+. Để đạt được điều này, ADMM có thể xem xét thiết lập một ban thư ký có thể quản lý các vấn đề của ADMM+. Ngoài ra, có thể tăng cường sự kết hợp giữa ADMM & ADMM+ và các diễn đàn khác như: Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á... The Diplomat cho rằng, đẩy mạnh các mối liên kết này sẽ giúp tăng cường mạng lưới thể chế bao trùm lên các mối quan hệ trong khu vực.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ The Diplomat, RSIS & Asean)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững
Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng

Theo dữ liệu vừa được công bố của Tập đoàn UOB, du lịch nội khối của các nước Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, với sự phục hồi về lưu lượng hành khách nói chung trong khu vực. Bất chấp những thách thức kinh tế và xã hội đang diễn ra, nhu cầu du lịch của người dân châu Á nói chung - Đông Nam Á nói riêng vẫn đầy hứa hẹn, trong đó du khách có xu hướng ưu tiên đặt các chuyến đi ngắn ngày hơn và tìm kiếm những chuyến du lịch nhanh ra nước ngoài với chi phí tốt nhất.

Du lịch nội khối ASEAN đang phát triển nhanh chóng
Return to top