52% phụ nữ trong cuộc khảo sát khẳng định sự an toàn là mối lo ngại chính của họ. Ảnh: AFP
Trong bối cảnh việc cải thiện khả năng tiếp cận đi lại trong thành phố cho phụ nữ trở thành một trọng tâm chính trên toàn cầu, một cuộc khảo sát của Thomson Reuters Foundation trên 1.000 phụ nữ ở thủ đô London (Anh), thành phố New York (Mỹ), thủ đô Mexico City (Mexico), thủ đô Tokyo (Nhật Bản) và thủ đô Cairo (Ai Cập) cho thấy, 52% những người được hỏi nói chung khẳng định sự an toàn là mối lo ngại chính của họ, với phụ nữ ở Mexico City sợ hãi nhất về vấn đề an toàn.
Gần 3 trên 4 phụ nữ ở Mexico City thiếu tự tin rằng, họ có thể đi lại mà không phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục và lạm dụng, hoặc bạo lực tình dục, trong khi Cairo đứng ở vị trí thứ 2. Trong 3 thành phố còn lại, vấn đề này chỉ được ghi nhận ở 1 trên 4 phụ nữ.
Về thời gian để đi lại quanh thành phố, các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thường đi những tuyến đường phức tạp với nhiều điểm dừng hơn so với nam giới, do trách nhiệm gia đình và chăm sóc con cái. Đây được coi là mối quan tâm lớn thứ 2, được khẳng định bởi 33% phụ nữ trong cuộc khảo sát.
Cụ thể, thời gian là mối lo ngại lớn nhất đối với phụ nữ ở New York, 2/3 số người được hỏi nói rằng, nó ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc nhận lấy hoặc ở lại một công việc; trong khi chi phí vận tải là vấn đề mà phụ nữ ở London quan ngại nhất, với gần 3 trên 4 phụ nữ khẳng định chi phí vận tải là đắt đỏ.
Cuộc thăm dò được thực hiện trong bối cảnh chính quyền các thành phố đang xem xét các biện pháp để đảm bảo phụ nữ có phương tiện đi lại an toàn và hiệu quả để tiếp cận công việc, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nhằm giải quyết sự bất bình đẳng, nghèo đói, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế bằng cách có thêm phụ nữ trong lực lượng lao động.
Bà Jemilah Magnusson, phát ngôn viên đến từ Viện Giao thông Vận tải và Chính sách Phát triển (ITDP) có trụ sở tại Mỹ cho hay: “Rất hiếm để tìm thấy một nhóm phụ nữ ở bất kỳ thành phố nào không có lo ngại về an toàn. Điều quan trọng cho các nhà lập kế hoạch là phải suy nghĩ về điều đó khi thiết kế hệ thống giao thông”.
Luật và điện thoại thông minh
Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 13-24/8 và được hỗ trợ bởi Uber đã hỏi 200 phụ nữ ở mỗi 5 thành phố đi lại lớn nhất thế giới với mạng lưới tàu điện ngầm ở các vùng văn hóa khác nhau về an toàn, thời gian đi lại và chi phí, trong số những vấn đề khác.
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay, sự tiếp cận hạn chế và an toàn giao thông được ước tính là trở ngại lớn nhất đối với vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động ở các quốc gia đang phát triển, làm giảm 16,5% sự tham gia có thể của họ vào lực lượng lao động.
Các nhà chức trách và chuyên gia giao thông vận tải cho biết, những động thái để cải thiện giao thông vận tải cho phụ nữ trở thành một vấn đề lớn trong những năm gần đây, bởi vấn đề an toàn và ùn tắc.
Trong một động thái liên quan, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, việc cải thiện giao thông vận tải có thể mang lại kết quả tích cực ngay lập tức cho cuộc sống của phụ nữ, thông qua luật mới về an toàn, bao gồm phụ nữ trong kế hoạch hoặc cung cấp phương tiện vận tải thay thế, như các ứng dụng gọi xe hoặc xe đạp.
Đối phó với ùn tắc
Ông Steve Swasey, phát ngôn viên của ứng dụng đi lại công cộng Moovit cho biết, điện thoại thông minh đã kích hoạt một “cuộc cách mạng” trong việc vận tải khổng lồ, với sự nổi lên của các ứng dụng gọi xe và các ứng dụng để sử dụng giao thông hiệu quả hơn, bằng cách giảm thời gian chờ đợi và tránh tắc nghẽn.
Cũng theo cuộc thăm dò của Thomson Reuters Foundation, 56% phụ nữ trên toàn cầu cho rằng, các ứng dụng gọi xe đã cải thiện khả năng đi lại quanh thành phố của họ. Hơn 1/2 số phụ nữ ở các thành phố, ngoại trừ Tokyo khẳng định, những hình thức vận tải mới này rất hữu ích.
Ông Swasey nói thêm: “Các con đường trong thành phố đều phủ kín công suất, và không có một thành phố lớn nào mà tắc nghẽn không phải là một mối quan tâm lớn. Bạn không thể dễ dàng hoặc nhanh chóng đặt thêm nhiều làn đường trên một chiếc cầu, nhưng bạn có thể sử dụng dữ liệu để điều chỉnh lưu lượng truy cập và thay đổi cách mọi người sử dụng giao thông".
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)