Năm nay, ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Ảnh: Aseanapc
Những quan điểm này được các nhà ngoại giao cấp cao của Đông Nam Á chia sẻ trong một bộ phim tài liệu truyền hình đặc biệt do kênh Channel NewsAsia sản xuất, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ASEAN vào hôm nay (8/8).
Đông Nam Á thường được mô tả là khu vực đa văn hóa nhất trên thế giới với nhiều nhóm dân tộc và tôn giáo khác nhau, bao gồm khoảng 630 triệu dân. Trong thời điểm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, chính phủ 10 nước thành viên đều tự hào về thành tựu này.
Ông Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng của Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew, cho rằng, Ủy ban Giải Nobel Hoà bình nên công nhận ASEAN xứng đáng với giải thưởng này. "Khi có được giải hòa bình đến, nó sẽ đánh thức cảm giác tự hào của mỗi người dân trên phố về ASEAN", ông nói.
Trước đó, vào năm 2012, Liên minh Châu Âu đã được trao giải Nobel Hòa bình cho những đóng góp về hòa bình, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu trong hơn 60 năm qua.
ASEAN cũng đã có những đóng góp trên các mặt trận chính trị và an ninh kể từ khi thành lập vào năm 1967. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao trước đây và hiện giờ đều cho rằng, khối này phải tiếp tục có trách nhiệm khi những thách thức mới xuất hiện trong khu vực.
Thách thức phải được giải quyết
"ASEAN phải thể hiện sự quan tâm về vấn đề người Rohingya, mối đe dọa khủng bố và tình hình ở Marawi. ASEAN phải có giải pháp", Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh.
Sự đoàn kết của khối cũng đang được thử thách khi Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của khối - khẳng định sức ảnh hưởng đối với các quốc gia thành viên của ASEAN.
"Chúng ta là một gia đình", ông Ong Keng Yong, Tổng thư ký ASEAN từ năm 2003 đến năm 2007 khẳng định, "Dĩ nhiên sẽ có những tranh cãi giữa các nước anh em. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ rời khỏi gia đình này".
Chính sách không can thiệp của ASEAN đã phát huy hiệu quả trong 50 năm qua - giúp khối xây dựng sự đồng thuận ngay cả với những vấn đề gây tranh cãi nhất.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surin Pitsuwan cho rằng khối này cần liên tục phát triển để duy trì các mối quan hệ và sự gắn kết.
Tiến sỹ Surin, người từng là Tổng thư ký ASEAN từ năm 2008 đến năm 2012, cũng kêu gọi khối 10 quốc gia thành viên ASEAN mang lại những lợi ích hữu hình cho người dân ở Đông Nam Á, đề cập đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN vốn đã được khởi động hồi cuối năm 2015, mặc dù có thể không diễn ra với tốc độ nhanh như kỳ vọng, nhưng vẫn đang trên đà chuyển đổi.
Tố Quyên (Lược dịch từ CNA)