Một mạng lưới các ống hơi khổng lồ tạo ra năng lượng tại nhà máy điện địa nhiệt Star Energy ở Wayang Windu, tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo trên thế giới cam kết chống lại mối đe dọa của biến đổi khí hậu bằng cách đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ trên toàn thế giới được giới hạn dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, thậm chí có thể là 1,5 độ C trong trường hợp tốt nhất.
Đây là một bước tiến lớn để đi đúng hướng trong việc xây dựng một phản ứng toàn cầu để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu, với cam kết của các quốc gia công nghiệp hóa để hỗ trợ các quốc gia đang công nghiệp hóa và đang phát triển đạt được những mục tiêu khí hậu của họ.
ASEAN-5 hướng tới hiện thực hóa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh ASEAN là khu vực vẫn đang phát triển, với mức phát thải tương đối cao trong thời gian gần đây và theo nghĩa đó, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào các quốc gia đang công nghiệp hóa nhanh chóng của ASEAN-5 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của 5 nền kinh tế này trung bình ở mức 5,5%, cao hơn một chút so với mức trung bình 5,1% của khu vực.
Các lĩnh vực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở những nền kinh tế này như sản xuất, máy móc, hóa chất và các ngành công nghiệp liên kết là các ngành sử dụng nhiều năng lượng dẫn đến phát thải khí nhà kính nặng. Để đối phó với điều này, mỗi quốc gia ASEAN-5 có các cam kết quốc gia riêng nhằm giảm lượng khí thải carbon tương ứng. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên ASEAN nói chung đang nỗ lực thực hiện một mục tiêu chung của khu vực là tăng cường năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng chính của khu vực lên 23% đến năm 2025.
Cụ thể, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất của hiệp hội 10 thành viên quốc gia cam kết giảm 29% lượng khí thải đến năm 2030 và con số này có thể tăng lên 41% nếu có đủ hỗ trợ quốc tế.
Malaysia có kế hoạch giảm 45% cường độ phát thải khí nhà kính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2030, so với cường độ phát thải trên GDP trong năm 2005.
Thái Lan đặt mục tiêu giảm 20% lượng khí thải vô điều kiện đến năm 2030, và có thể giảm 25% có điều kiện dựa trên việc cung cấp hỗ trợ quốc tế.
Việt Nam dự kiến giảm 8% lượng khí thải trong cùng khoảng thời gian nói trên. Con số này có thể tăng lên 25% nhưng điều đó phụ thuộc vào hỗ trợ quốc tế. Trên hết, Việt Nam cũng cam kết tăng độ che phủ rừng lên 45%.
Trong khi đó, Philippines đặt mục tiêu giảm phát thải khoảng 70% đến năm 2030. Tuy nhiên, con số này cũng với điều kiện hỗ trợ quốc tế.
Các nền kinh tế CLM không bị bỏ lại phía sau
Trong số 10 nền kinh tế ASEAN, các nền kinh tế CLM (bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar) là những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 7,4%, theo dự báo của ADB. Khi những quốc gia này đặt mục tiêu cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người dân, họ trở thành điểm đến đầu tư sinh lời cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các Chính phủ khởi xướng rất nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng nhằm cải thiện điện khí hóa đô thị và nông thôn.
Trong số 3 quốc gia nói trên, chỉ có CHDCND Lào không thuộc danh mục do Liên Hiệp quốc (LHQ) xác định là “quốc gia kém phát triển nhất (LDC)”. Do đó, các quốc gia này cần nhiều sự giúp đỡ để họ có thể hiện thực hoá những cam kết của chính mình đối với tham vọng chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cho đến nay, CHDCND Lào cam kết một số chính sách và hành động được thiết kế để giảm lượng khí thải. Campuchia đặt mục tiêu giảm lượng phát thải xuống 27% đến năm 2030, với mục tiêu bổ sung là tăng độ che phủ rừng lên 60% diện tích đất quốc gia đến năm 2030.
Myanmar cam kết các bước để giảm lượng khí thải carbon bằng cách tăng công suất thủy điện lên 9,4 gigawatt (GW) đến năm 2030, đạt được điện khí hóa nông thôn dựa trên ít nhất 30% nguồn tái tạo và tăng diện tích rừng lên 30% đến năm 2030.
Brunei và Singapore
Brunei và Singapore là những quốc gia công nghiệp hóa nhất trong khu vực ASEAN, đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau để hiện thực hóa những đóng góp của họ cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Singapore phản ứng nhanh hơn với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Quốc gia này đi đầu trong các phát triển công nghệ, bao gồm các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả và những lưới điện thông minh được cung cấp bởi các nguồn tái tạo. Singapore đặt mục tiêu giảm 36% cường độ phát thải đến năm 2030, so với mức năm 2005.
Trường hợp của Brunei khác với đối tác công nghiệp hóa của ASEAN. Nền kinh tế Brunei phụ thuộc nhiều vào ngành dầu khí, một ngành công nghiệp nặng chịu trách nhiệm về mức độ phát thải khí nhà kính gia tăng.
Brunei đặt mục tiêu giảm 63% tổng mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2035. Nền kinh tế này cũng đang có xu hướng tránh sự phụ thuộc vào dầu mỏ và tìm cách tăng tỷ lệ năng lượng được tạo ra bởi năng lượng tái tạo lên 10% đến năm 2035. Bên cạnh đó, Brunei cũng cam kết giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ việc sử dụng phương tiện vào giờ cao điểm buổi sáng xuống 40% trong cùng khoảng thời gian này.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)