Người nhà các nạn nhân trong thảm hoạ Sewol ngóng chờ tin tức. Ảnh: AFP
Báo chí cho biết, thân nhân của những nạn nhân vẫn còn mất tích như "bị ném từ thiên đường xuống địa ngục", và cáo buộc Bộ Hàng hải nước này phát ngôn thiếu thận trọng.
Chín trong số 304 người thiệt mạng cách đây gần 3 năm ở một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất Hàn Quốc đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Việc tìm kiếm các thi thể đó trên xác phà Sewol vừa được trục vớt hoàn tất trở thành một nhu cầu quan trọng đối với các gia đình nạn nhân, những người nói rằng họ đã không thể để tang thân nhân mình theo đúng thủ tục.
Ngày hôm qua, Bộ Hàng hải làm tăng hy vọng cho những người này khi nói rằng đã tìm thấy các phần thi thể và "nghi ngờ đó là một trong những nạn nhân bị mất tích". Tuy nhiên chỉ chưa đầy 5 giờ sau đó, tuyên bố trên đã được rút lại, với thống báo mới rằng các mảnh xương được tìm thấy là 7 mảnh xương động vật.
Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn các chuyên gia pháp y cho biết đó có thể là chân heo. Bài viết trên trang nhất báo Hankook Ilbo sáng nay có tiêu đề: "Bộ Hàng hải giáng đòn kép cho các thân nhân", trong đó có đoạn nói rằng, "thân nhân của những người mất tích đã phải đi từ thiên đường đến địa ngục khi chính phủ liều lĩnh đưa ra một thông báo quan trọng mà không cần kiểm tra các yếu tố cơ bản". Trong khi đó, nhật báo Dong-A Ilbo chỉ trích cơ quan hàng hải Hàn Quốc tiếp tục phạm sai lầm, cho rằng xương động vật và xương người có thể dễ nhận thấy ngay cả với mắt thường.
Một bài báo của tờ Chosun Ilbo dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao cho biết, các mảnh xương được tìm thấy nằm trong bụi bẩn và họ không thể đến nhìn kỹ trước khi các chuyên gia pháp y đến. "Chúng tôi không tưởng tượng được chúng có thể là từ một con vật", quan chức này nói.
Hầu hết nạn nhân của vụ chìm phà là những học sinh và các cuộc điều tra kết luận rằng, thảm hoạ này phần lớn do con người tạo ra - là hậu quả của cấu trúc phà yếu, chở hàng quá tải, thuyền viên thiếu kinh nghiệm và mối quan hệ đáng ngờ giữa các nhà khai thác tàu với Cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ này đã bị chỉ trích nặng nề sau vụ chìm phà Sewol, và tờ nhật báo Kyunghyang cho rằng, thông báo nhầm lẫn trên xảy ra do bộ đã quá háo hức để chứng minh bản thân bằng cách thu được kết quả trong việc tìm kiếm người mất tích.
Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & CNA)