Cử tri trẻ Hàn Quốc yêu cầu sự thay đổi của chính phủ. Ảnh: AFP
"Kỳ tích sông Hàn" kéo dài hàng thập kỷ đã đẩy đất nước này ra khỏi sự tàn phá của chiến tranh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và đứng vào hàng ngũ của OECD.
Nhưng các cử tri trẻ than phiền sâu sắc rằng, mọi thứ đã thay đổi đáng kể từ thế hệ cha mẹ của họ, khi công việc khó khăn được đáp trả bằng sự giàu có và thành công, bất kể nguồn gốc xã hội.
Thất nghiệp trong giới trẻ - những người dưới 30 tuổi - đã tăng trong 5 năm liên tiếp và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 9,8% vào năm 2016, gấp đôi so với mức trung bình chung.
Hàn Quốc là một quốc gia nổi tiếng phải chịu nhiều áp lực để có thể được vào một trường đại học uy tín, và hầu hết trẻ em bắt đầu học thêm sau giờ tan trường tại các trung tâm đông đúc ngay từ cấp tiểu học.
Nhưng đối với những người ở độ tuổi 20 - 30, việc học ở các cơ sở giáo dục tốt nhất không còn đảm bảo cho họ một công việc tốt, với nhiều công ty không muốn thuê nhân viên khi phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm lại, hiện dưới 3% một năm.
Theo báo cáo, các tập đoàn khổng lồ thống trị nền kinh tế Hàn Quốc như Samsung, SK và Hyundai nhận hàng trăm ngàn đơn xin tuyển dụng mỗi năm trong khi chỉ có vài nghàn vị trí.
Một cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc ở 500 công ty lớn nhất của nước này hồi tháng trước cho thấy, gần 1/4 số người được hỏi dự định sẽ giảm tuyển dụng nhân viên mới hoặc không được tuyển dụng trong nửa đầu năm nay.
Với việc được tuyển vào lực lượng lao động bị trì hoãn vô thời hạn, các sinh viên tốt nghiệp đại học phải mất nhiều năm để tìm được một công việc.
Thậm chí đáng lo ngại hơn đó là cảm giác tuyệt vọng vì thiếu cơ hội so với quá khứ và tính cạnh tranh cao hơn, có nghĩa là họ sẽ rất khó có thể cải thiện vị trí của mình ở một đất nước có cấu trúc lớp cứng nhắc.
Sự thất vọng về kinh tế và xã hội chính là động lực thúc đẩy các cuộc biểu tình chống tham nhũng khổng lồ vào năm ngoái, khi hàng triệu người Hàn Quốc xuống đường yêu cầu cựu Tổng thống Park Geun-Hye phải từ chức.
Bà Park Geun-Hye đã bị tòa án tối cao của nước này sa thải hồi tháng 3 vừa qua, dẫn đến cuộc bỏ phiếu vào ngày mai (9/5), và giờ đây, những người trong độ tuổi 20-30 - thành phần chính tạo ra các cuộc biểu tình - muốn phiếu bầu của họ mang lại sự thay đổi hữu hình.
"Cuộc bầu cử tổng thống do người dân đưa ra, do đó nó có ý nghĩa hơn", I Gyeong-Eun, một sinh viên 22 tuổi tại Đại học Hanyang cho biết, và nhấn mạnh rằng "bỏ phiếu là điều cần thiết nhưng sẽ không dừng lại ở đó, đó chỉ là sự khởi đầu."
Những người dưới 30 tuổi thường là nhóm người có tỷ lệ tham dự bỏ phiếu thấp nhất trong tất cả các nhóm tuổi ở Hàn Quóc, nhưng cuộc khảo sát của Gallup Korea cho thấy 93% nói rằng họ "chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu".
Lời hứa của các ứng viên
Ông Koo Jeong-Woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan cho biết: "Thanh niên là cốt lõi trong các cuộc phản đối chống cựu Tổng thống Park, và đã khao khát sự thay đổi trong hệ thống bất công của xã hội".
Ứng viên Moon Jae-In của đảng Dân chủ, người đang nắm giữ vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, đã hứa hẹn một "nền kinh tế tập trung vào người dân" và tuyên bố sẽ tạo ra 810.000 việc làm mới, chủ yếu là trong khu vực công, trong đó khoảng 1/3 sẽ được phân bổ cho những người xin việc nhỏ tuổi.
Trong khi đó, đối thủ Ahn Cheol-Soo cam kết sẽ dành ra khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 500.000 won (440 USD) cho các nhân viên trẻ ở các công ty vừa và nhỏ nhằm nỗ lực thu hẹp khoảng cách với tiền lương của các công ty lớn.
Tuy nhiên, một số người hoài nghi rằng cuộc bầu cử sẽ không mang lại được bất kỳ biện pháp khắc phục nào cho các vấn đề cơ bản.
Ông Hahn Kyu-Sup, giáo sư truyền thông tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Vấn đề là không ai trong số các ứng cử viên đã đưa ra giải pháp rõ ràng cho các vấn đề hiện nay".
Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & CNA)