Luật mới cho phép phụ nữ trưởng thành Saudi Arabia ra nước ngoài một mình mà không cần xin phép người giám hộ nam giới. Ảnh: AFP
Đây là một bước đột phá tuyệt vời. Những thay đổi này phải được thực hiện đúng thời điểm mọi người có xu hướng chấp nhận thay đổi, nếu không họ sẽ thất bại.
Bà Hoda al-Helaissi (thành viên Hội đồng cố vấn Shura của Vương quốc Saudi Arabia) nói ngày 2/8
Nói như tờ báo thân chính phủ Gazette, quyết định này là "bước tiến khổng lồ cho phụ nữ Saudi".
Sôi nổi trên mạng xã hội
Phụ nữ Saudi từ lâu phải cần sự cho phép của "người giám hộ" nam như cha, chồng hay những người thân là nam giới khác để kết hôn, làm hộ chiếu hoặc đi du lịch nước ngoài.
Chính quyền Riyadh vừa thông qua một luật mới cho phép phụ nữ trưởng thành ra nước ngoài một mình mà không cần sự đồng ý của người giám hộ nam giới.
Luật mới được thông qua hôm 2-8 đã trao cho phụ nữ Saudi quyền đăng ký hộ chiếu cùng các quyền khác như đăng ký kết hôn, ly hôn, khai sinh cho con, trở thành người bảo hộ con cái khi chúng còn nhỏ và các giấy tờ khác có liên quan đến gia đình.
Ngay sau quyết định của chính quyền Riyadh, tờ New York Times cho biết nhiều phụ nữ Saudi đã chia sẻ niềm vui trên mạng xã hội và dòng hashtag "không giám hộ, phụ nữ đi du lịch" lan truyền trên mạng.
Một số phụ nữ Saudi còn nói đùa muốn lao vội đến sân bay một mình để thực hiện chuyến du lịch đầu tiên trong đời mà không cần xin phép cha, anh em trai hay chồng. Những người khác thở phào nhẹ nhõm khi những người đàn ông không còn có thể ra lệnh về việc đi lại của họ nữa.
"Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc phụ nữ Saudi Arabia kiểm soát hoàn toàn số phận pháp lý của mình. Nhiều giấc mộng đã tan vỡ do phụ nữ không thể rời khỏi đất nước vì bất kỳ lý do nào như đi du học, cơ hội việc làm hay thậm chí chạy trốn" - nữ doanh nhân nổi tiếng Saudi Muna Abusulayman chia sẻ trên Twitter.
Sắc lệnh thông qua ngày 2-8 còn bao gồm các quy định về tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ Saudi. Nội dung cải cách ghi rõ rằng tất cả công dân đều có quyền làm việc mà không bị phân biệt giới tính, tuổi tác hay khuyết tật cơ thể. Sắc lệnh cũng sẽ ngăn các ông chủ tư nhân từ chối nhận phụ nữ vào làm việc với lý do "cần xin phép người giám hộ".
Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị thực tế của Saudi Arabia, đã dẫn đầu nỗ lực tự do hóa trên phạm vi rộng lớn nhằm mục đích cải tổ nhà nước bảo thủ, bị chỉ trích vì đối xử với phụ nữ như công dân hạng hai.
Tháng 6/2018, theo AFP, thái tử Mohammed đã thực hiện một cải cách được nhiều người hoan nghênh như cho phép phụ nữ lái xe, đi xem các trận bóng đá cùng đàn ông và đảm nhận những công việc từng nằm ngoài giới hạn của phụ nữ truyền thống.
Dù các cải cách trong năm 2018 đã giúp thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ Saudi, song giới chỉ trích cho rằng đó chỉ là bề nổi và phụ nữ Saudi chỉ thật sự tự chủ khi chính quyền Riyadh bãi bỏ hệ thống giám hộ.
Một số phụ nữ Saudi đã bất chấp nguy hiểm thực hiện các nỗ lực bỏ trốn khỏi đất nước. Tháng 1-2019, Rahaf al-Qunun (18 tuổi) đã thu hút sự chú ý của thế giới khi xin tị nạn từ một khách sạn ở Bangkok, sau khi trốn chạy khỏi gia đình.
Sau đó, có hai chị em người Saudi đã tìm kiếm nơi trú ẩn tại Hong Kong vì bị gia đình lạm dụng. Họ được cho phép sang quốc gia thứ ba không nêu tên vì sự an toàn của bản thân. Hai chị em người Saudi khác cũng trốn chạy gia đình và đến Georgia.
Các nhà quan sát cảnh báo cải cách mới nhất của chính quyền Riyadh chỉ làm suy yếu, nhưng không bãi bỏ hoàn toàn hệ thống giám hộ và cải cách này có thể dẫn đến các xung đột gia đình trong xã hội còn nặng tính gia trưởng.
Do vậy, chính quyền thừa nhận rằng hệ thống giám hộ chỉ có thể được dỡ bỏ từng phần nhằm ngăn ngừa phản ứng dữ dội từ những người có tư tưởng bảo thủ trong xã hội Saudi Arabia.
Theo Tuoitre