Thứ Ba, 06/03/2018 14:41
(GMT+7)
Campuchia: tập trung trồng lúa nổi để đối phó với biến đổi khí hậu
TTH.VN - Tự mọc theo nước, không thuốc trừ sâu và sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên, lúa nổi hiện đang là mặt hàng lương thực chủ đạo của Campuchia để tiến đến mục tiêu sản xuất thân thiện với môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu.
Cậu bé người Campuchia chăn trâu bên cạnh ruộng lúa nổi. Ảnh: CNA
Được biết, trồng lúa nổi là một phương pháp canh tác truyền thống và là biện pháp sản xuất thay thế bền vững cho các nước trong bối cảnh thay đổi khí hậu diễn ra hết sức phức tạp.
Bunthorn, một nông dân trồng lúa lâu năm của làng Tnot, tỉnh Kampong Thom cho biết: “Cho dù nước cao đến đâu thì cây lúa vẫn có thể sống sót và phát triển khỏe mạnh cho đến khi thu hoạch mà không cần đến bàn tay chăm sóc của con người”.
Phát triển trong mùa nước lũ và không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu, gạo nổi hay còn gọi là “lúa nước sâu” là mặt hàng chính đem lại lợi mức lợi nhuận cao, nuôi sống nhiều thế hệ người dân ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Riêng Campuchia, phương pháp canh tác này vẫn tồn tại ở khá nhiều địa phương tại vùng thấp như Kampong Thom, Kampong Chhnang, Siemreap, Pursat và Banteay Meanchey...
Đặc điểm chính của dòng lúa nổi là thân cao, chiều dài từ 1-6m và có khả năng thích nghi tốt. Trong ba tháng sinh trường từ tháng 8 đến tháng 10, cây tự hút dưỡng chất từ trầm tích và đậu hạt trên bề mặt nước.
Với những đặc điểm riêng biệt và khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên cao, các nhà nghiên cứu tin rằng người dân ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông sẽ thu được nhiều nguồn lợi khi tiến đến đầu tư sản xuất loại cây lương thực này.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)