Đại sứ Lưu động Singapore - cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong. Ảnh: AFP
Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) bao gồm gần như tất cả các doanh nghiệp tư nhân tại khu vực ASEAN, nhưng chỉ chiếm khoảng từ 10%-30% tổng giá trị xuất khẩu.
Phát biểu như một diễn giả chính tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2016 do RHTLaw Taylor Wessing tổ chức, Đại sứ Ong thừa nhận rằng, những tiến bộ trong hội nhập kinh tế mà ASEAN đạt được "khá ấn tượng".
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, vẫn có nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm mức độ năng suất lao động tương đối thấp hơn khi so sánh với Hoa Kỳ, khả năng tiếp cận tài chính, sự miễn cưỡng trong việc quốc tế hóa và vươn xa ra khỏi biên giới quốc gia, cũng như các yêu cầu kinh doanh rườm rà và rắc rối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại sứ Ong, đồng thời cũng là cựu Tổng thư ký ASEAN, nhấn mạnh một số kiến nghị nhằm đáp ứng được những thách thức nói trên, bao gồm cả việc nâng cấp Ban Cố vấn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN lên thành Hội nghị Bộ trưởng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN. Điều này sẽ có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn, tách biệt với nhóm Bộ trưởng Thương mại ASEAN.
Đồng thời, ông cũng đề nghị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sâu rộng hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như đảm bảo một cách tiếp cận có hệ thống và linh hoạt đối với các nguồn tài chính và vốn.
Phát biểu với báo chí bên lề của sự kiện này, ông Teng Theng Dar - chủ tịch của tập đoàn Barterfli Holdings, cho biết AEC đại diện cho một thị trường 630 triệu dân đối với Singapore. Ông cũng nói thêm rằng khu vực tư nhân cần có cách tiếp cận chủ động hơn đối với việc thực hiện các tầm nhìn của AEC.
Tố Quyên (Lược dịch từ CNA)