Một khu chợ thực phẩm ở Hungary. Ảnh: UN
Báo cáo, mang tên “Ngăn chặn sự mất chất dinh dưỡng và lãng phí trên hệ thống thực phẩm: hành động chính sách cho chế độ ăn chất lượng cao”, kết luận rằng ăn thường xuyên các thực phẩm kém chất lượng đã trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn hơn cả các bệnh sốt rét, lao hoặc sởi.
Trong khi đó, có đến khoảng 1/3 thực phẩm được sản xuất cho con người không được đưa lên bàn ăn. Các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau, hải sản và thịt rất dễ hỏng, khiến chúng dễ bị lãng phí trong các hệ thống sản xuất thực phẩm ngày càng phức tạp.
Theo báo cáo, mỗi năm hơn một nửa số trái cây và rau quả sản xuất trên toàn cầu bị vứt bỏ hoặc lãng phí. Khoảng 25% tổng số thịt được sản xuất, tương đương với 75 triệu con bò, cũng không đến được với người tiêu dùng.
"Để giải quyết tất cả các dạng suy dinh dưỡng và thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh, chúng ta cần phải làm tăng tính khả dụng của các hệ thống thực phẩm, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng, tươi mới cho tất cả mọi người", ông José Graziano da Silva, Tổng giám đốc FAO nhấn mạnh.
Giảm việc lãng phí và vứt bỏ thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, không chỉ có lợi về dinh dưỡng, mà còn góp phần vào Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), và là ưu tiên để cải thiện dinh dưỡng.
Để khắc phục điều này báo cáo đề xuất một loạt các hành động chính sách trên toàn bộ hệ thống thực phẩm, bao gồm cả giáo dục tất cả các bên liên quan; tập trung vào thực phẩm dễ hư hỏng; cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và tư nhân; và thu hẹp khoảng cách dữ liệu về lãng phí thực phẩm và chất thải.
Dữ liệu của FAO cho thấy ở các nước có thu nhập thấp, lương thực chủ yếu bị tổn thất trong quá trình thu hoạch, bảo quản, chế biến và vận chuyển; trong khi ở các nước thu nhập cao, vấn đề nằm ở khâu bán lẻ và tiêu dùng. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng calo và chất dinh dưỡng thực sự có sẵn.
Với giá trị lương thực toàn cầu bị lãng phí hàng năm, ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD, việc giảm thiểu lãng phí cũng sẽ mang lại những lợi ích kinh tế lớn. Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm đã được sản xuất sẽ tránh lãng phí nước, đất và năng lượng được dùng để sản xuất ra thực phẩm đó, FAO cho biết.
BẢO NGHI (Lược dịch từ UN)