ClockThứ Năm, 20/10/2016 10:32

Chiến dịch giải phóng Mosul: Hệ lụy & hiểm họa

TTH - Nếu tái chiếm thành công, lraq có thể giành lại 1/2 diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này. Dẫu vậy, chiến dịch này cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường, dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng và dấy lên hiểm họa ở một số khu vực, trong đó có Đông Nam Á.

Hệ lụy khổng lồ

Ngày 17/10, Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq Haider al-Abadi chính thức phát động chiến dịch giải phóng thành phố Mosul ở miền Bắc nước này khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là trận chiến có quy mô lớn nhất tại Iraq trong vòng 10 năm qua.

Giới chuyên gia quân sự cảnh báo phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới quét sạch IS ra khỏi thành phố Mosul. Ảnh: UPI

Tuy nhiên, trong bối cảnh Quân đội Iraq đạt những bước tiến đáng kể trong chiến dịch giải phóng Mosul, phát ngôn viên Lầu năm góc Mỹ Jeff Davis nói rằng, khoảng 1,5 triệu dân thường đang bị mắc kẹt tại Mosul trong nhiều tuần qua và IS có khả năng sử dụng họ làm “lá chắn sống” nhằm bảo vệ thành trì cuối cùng của chúng.

Cũng theo nguồn tin này, hiện có hơn 5.000 tay súng IS đang cố thủ tại Mosul và các vùng lân cận.

Bên cạnh đó, ông Stephan Dujarric, người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho hay, có khoảng 200.000 người dân Iraq phải đi lánh nạn trong những tuần đầu tiên của chiến dịch. Và trong một kịch bản xấu nhất, con số này có thể lên tới 1 triệu người cũng như có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới trong năm nay, LHQ cảnh báo.

Hiểm họa khó lường

Không chỉ mang lại nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, chiến dịch quân sự ở Mosul còn đem đến nguy cơ an ninh khác, khi hàng ngàn tay súng IS được dự báo sẽ chạy trốn sang các khu vực bao gồm cả châu Âu và Đông Nam Á.

Tờ AFP số ra ngày 18/10 cho hay, Ủy viên phụ trách an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Julian King cho rằng, châu Âu cần sẵn sàng cho một “làn sóng xâm nhập” mới của các phần tử cực đoan IS, một khi các lực lượng Iraq giành lại thành phố Mosul, thành trì lớn của cuối cùng của chúng tại quốc gia Trung Đông này.

Không chỉ riêng châu Âu, Đông Nam Á cũng bày tỏ mối quan ngại này. Tờ CNA hôm 18/10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein cảnh báo, hàng ngàn tay súng IS sẽ bắt đầu chạy trốn khỏi Iraq và Syria, trước khi tràn sang Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cùng ngày 18/10 tuyên bố nước này tăng cường an ninh ở khu vực biên giới, nhằm đề phòng những tay súng cực đoan người Malaysia tìm cách hồi hương.

Trong một động thái liên quan, Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean ngày 18/10 khẳng định: “IS bị đẩy lùi đồng nghĩa với nguy cơ những kẻ khủng bố có thể làm tăng mối đe dọa trong khu vực. Do đó, chúng ta phải xem đây là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng”.

Phát biểu trên tờ SCMP hôm 19/10, chuyên gia về chống khủng bố tại Đại học Indonesia, ông Ridlwan Habib nhận định: “ Các tay súng cực đoan có thể trở lại những nước như Indonesia, Malaysia và Philippines. Chúng sẽ xây dựng mạng lưới của các cựu thành viên bằng những chiến lược và kỹ năng mới. Với các thiết bị tấn công mới và kiểu tấn công “sói đơn độc”, chúng ta không thể dự đoán trước thời điểm và địa điểm chúng thực hiện âm mưu tấn công”.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ SCMP, Ibtimes & Asianews)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng: Dân chủ để dân đồng thuận

Phát huy dân chủ ở cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân đối với các chương trình, dự án (DA) trọng điểm đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị của TP. Huế triển khai thực hiện với quyết tâm: Tạo được sự đồng thuận của người dân.

Giải phóng mặt bằng Dân chủ để dân đồng thuận
Phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”

Ngày 28/9, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế) và Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam (3/10/1945-3/10/2024) và phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”.

Phát động Chiến dịch “Tôi yêu Thừa Thiên Huế năm 2024”
Return to top