Tuy vậy, vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ ngay lập tức trở thành chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đang diễn ra quyết liệt.
|
Tổng thống Obama phát biểu sau vụ xả súng tại Orlando. Ảnh AP |
Sau cuộc họp với giới chức an ninh Mỹ vào sáng 14/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama cho biết thủ phạm vụ tấn công khiến 50 người thiệt mạng vừa qua tại Orlando, bang Florida dường như đã lấy cảm hứng từ thông tin tuyên truyền cực đoan được phát tán tràn lan trên mạng internet.
Theo ông Obama, hiện chưa có bằng chứng cho thấy kẻ sát nhân Omar Mateen liên quan trực tiếp đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS): “Vào thời điểm này, chúng tôi chưa thấy bằng chứng rõ ràng về việc thủ phạm vụ tấn công nhận chỉ đạo trực tiếp từ bên ngoài, dù trước khi nổ súng tên này tuyên bố trung thành với IS.
Vụ tấn công này có vẻ tương tự như vụ khủng bố tại San Bernadino cách dây chưa lâu. Tuy nhiên, đây là ví dụ về chủ nghĩa khủng bố nội địa mà tất cả chúng ta đã rất quan ngại trong suốt thời gian vừa qua”.
Theo giới chức Mỹ, các cuộc tấn công đẫm máu tại nước Mỹ kể từ sau vụ 11/9 đều do công dân Mỹ hoặc những đối tượng cư trú hợp pháp tại Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, đa số thủ phạm không có liên hệ chính thức hoặc được các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda hay IS huấn luyện.
Một số nguồn tin an ninh Mỹ cho biết thủ phạm vụ xả súng tại Orlando làm việc cho G4S, một trong những công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ cá nhân cho Bộ An ninh nội địa cũng như Biên phòng và Hải quan Mỹ tại khu vực biên giới với Mexico.
Trước khi thực hiện vụ tấn công vài tuần, Mateen đã nhiều lần tìm mua áo giáp chống đạn nhưng thất bại. Tên này cũng từng đến Saudi Arabia vào năm 2011 và 2012 để tham gia hành hương về thánh địa Mecca.
Trong khi giới chức an ninh Mỹ đang tiếp tục mở rộng điều tra về động cơ tấn công cũng như các mối quan hệ của thủ phạm thì vụ thảm sát cũng trở thành chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đang diễn ra quyết liệt.
Trong bài phát biểu tại bang Ohio, ứng cử viên Hillary Clinton kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, tăng cường các nỗ lực chống khủng bố và kiểm soát chặt chẽ súng đạn. Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh đến ưu tiên ngăn chặn các vụ tấn công đơn độc và chiến dịch tuyên truyền thánh chiến của IS. Theo bà Clinton, thủ phạm vụ xả súng tại Orlando đã chết nhưng loại virus đầu độc trí óc của những phần tử cực đoan như thế này vẫn đang hoạt động mạnh mẽ.
“Chúng ta phải sử dụng tất cả các khả năng để ngăn chặn tuyên truyền về thánh chiến trên mạng. Đây là điều mà tôi đã làm rất nhiều khi còn ở Bộ Ngoại giao. Nếu là Tổng thống, tôi sẽ làm việc với các công ty công nghệ để tăng cường nỗ lực này. Chúng ta phải làm tốt hơn để ngăn chặn thông tin liên lạc của IS”.
Mặc dù không nêu đích danh đối thủ Donald Trump nhưng bà Clinton khẳng định, các tuyên bố chống Hồi giáo và đe dọa cấm gia đình cũng như bè bạn của những người Hồi giáo tại Mỹ và hàng triệu doanh nhân, khách du lịch Hồi giáo tới Mỹ đang làm tổn thương đến đại đa số những người Hồi giáo yêu tự do và ghét khủng bố.
Để phản bác lại, ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump lên tiếng công kích trực tiếp cựu Ngoại trưởng Clinton.
“Theo kế hoạch của bà Clinton, chúng ta sẽ tiếp nhận hàng trăm nghìn người tỵ nạn từ Trung Đông mà không có một hệ thống nào đánh giá hoặc ngăn chặn trẻ em và con cái họ trở nên cực đoan. Họ còn đang cố thuyết phục không chỉ con cái họ mà cả con cái chúng ta rằng IS tuyệt vời, chủ nghĩa Hồi giáo tuyệt vời và chúng ta không biết vấn đề gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói
Tỷ phú Trump tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ cho ngừng tất cả các hoạt động nhập cư vào Mỹ từ những khu vực có liên quan đến khủng bố./.
Theo VOV