ClockThứ Tư, 01/03/2017 10:21

Có gì trong bài phát biểu trước quốc hội của ông Trump?

Sau một tháng cầm quyền với rất nhiều tranh cãi, 21g00 ngày 28/2 giờ Mỹ (tức 9g ngày 1/3 giờ Việt Nam) tổng thống Donald Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội.

Tổng thống Mỹ Trump có tỷ lệ ủng hộ thấp nhưng tầm ảnh hưởng lớnNước Mỹ chia rẽ sau lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống TrumpTổng thống Mỹ Trump có tỷ lệ ủng hộ thấp nhưng tầm ảnh hưởng lớn

 

​Có gì trong bài phát biểu trước quốc hội của ông Trump?

Tân tổng thống Donald Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, đương nhiên đây sẽ là bài phát biểu rất được quan tâm của tân tổng thống Mỹ khi mọi người đều muốn xem ông Trump trình bày những kế hoạch cụ thể nào cho thấy ông đã và đang thực hiện những cam kết đưa ra khi tranh cử.

Các thị trường tài chính thế giới cũng sẽ theo dõi sát sao bài phát biểu của ông Trump tại Hạ viện để xem ông Trump sẽ thực hiện lời hứa của ông ra sao về cải cách thuế, tăng chi phát triển cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa các thủ tục hành chính vốn đang cản trở và làm hại doanh nghiệp như ông từng nói.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ giữ một phong thái và ngôn ngữ có tính hòa giải ở bài phát biểu này, nhằm hướng tới mục tiêu đoàn kết đất nước sau cuộc bầu cử tổng thống gây chia rẽ sâu sắc nước Mỹ và sau một tháng cầm quyền với rất nhiều chính sách gây tranh cãi của ông.

Trang Real Clear Politics cho biết tỉ lệ trung bình các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ cho thấy có khoảng 44% người dân ủng hộ ông Trump, đây là tỉ lệ thấp so với một tân tổng thống.

Bài phát biểu tối 28-2 giờ Mỹ của ông Trump không phải một bản Thông điệp liên bang chính thức, sự kiện này sẽ có trong năm tới, tuy nhiên nó là cơ hội để ông Trump trình bày những ưu tiên về lập pháp của ông sau tháng đầu cầm quyền.

Trang The Hill chỉ ra 5 vấn đề sẽ được chờ đợi trong lần phát biểu đầu tiên trước Quốc hội của ông Trump.

Ông Trump sẽ tiêu cực hay tích cực?

Bài phát biểu đầu tiên của ông Trump với người dân Mỹ trong buổi lễ nhậm chức ngày 20-1 đã nêu một quan điểm ảm đạm của ông về nước Mỹ. Khi đó ông Trump phác ra hình ảnh của một nước Mỹ đang suy thoái khi các nhà máy bị rút đi và các băng nhóm tội phạm hoành hành khắp nơi.

Ông Stephen Miller là trợ lý đã giúp ông Trump soạn bài phát biểu đó khi nhậm chức, và nay cũng chính ông này được giao soạn bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội cho tổng thống.

Dẫu thế thì các quan chức Nhà Trắng cho biết bài phát biểu trước Quốc hội sẽ thể hiện "một tầm nhìn lạc quan" trong việc chính quyền mới sẽ hỗ trợ người dân Mỹ thuộc mọi chủng tộc, đảng phái và giai tầng xã hội.

Ông Trump cũng sẽ khẳng định lại, bất chấp những tranh cãi thì các hành động trong tháng cầm quyền vừa qua của ông cũng đã hoàn thành những cam kết ông từng đưa ra trong cương lĩnh tranh cử.

Vấn đề cụ thể nào được đề cập?

Sau tháng đầu tiên cầm quyền và ban hành một loạt các sắc lệnh, ông Trump có vẻ như đã sẵn sàng để bắt đầu xúc tiến các công việc cụ thể với Quốc hội.

Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ tái khẳng định mong muốn của ông trong việc giải quyết những mục tiêu lớn như cải cách thuế và thay đổi chính sách bảo hiểm ObamaCare.

Trong một cuộc gặp ngày 27-2 với một nhóm các thống đốc bang, ông Trump chia sẻ: "Chẳng ai nghĩ là vấn đề y tế lại có thể phức tạp đến vậy".  

Ông Trump có đối đầu với đảng Cộng hòa?

Mối quan hệ giữa ông Trump và quốc hội do đảng Cộng hòa nắm giữ đang ở thế "cơm không lành canh không ngọt" sau sắc lệnh nhập cư gây náo loạn và cả những bất đồng ngấm ngầm về chính sách thuế, hạ tầng và thương mại. Các nghị sĩ quốc hội hoặc công khai, hoặc kín đáo đã phàn nào về phong cách khoa trương của ông Trump.

Ngày 27-2 ông Trump cũng hé lộ ý định về việc ông sẽ có một thông báo "lớn" về vấn đề chi tiêu ngân sách cho hạ tầng trong bài phát biểu của mình.

Ông Trump có sáng tạo thêm về nghi thức phát biểu?

Trên thực tế trong nhiều năm qua, nghi thức tiến hành một bài phát biểu trước Quốc hội gần như không thay đổi. Tổng thống sẽ đi vào Hạ viện và sau đó đọc bài phát biểu của ông từ bục phát biểu của Chủ tịch Hạ viện trước các thành viên quốc hội, các thẩm phán của Tòa án tối cao, khách mời… cùng hàng chục triêu khán giả theo dõi qua đài truyền hình.

Nhà Trắng vẫn chưa công bố sẽ có những thay đổi gì liên quan tới chương trình phát biểu năm nay của ông Trump, tuy nhiên người ta sẽ không ngạc nhiên nếu cựu ngôi sao truyền hình thực tế có thể sẽ làm gì đó khác biệt.

Cố vấn tổng thống Kellyanne Conway tuần trước khẳng định trên đài Fox News: "Bài phát biểu của ông Trump sẽ không nhàm chán, vì ông Donald Trump không nhàm chán".

Các nghị sĩ Dân chủ sẽ phản ứng như thế nào?

Trong các tuần đầu tiên tại nhiệm của ông Trump, các thành viên đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ với gần như mọi quyết sách của tân tổng thống.

Nhiều người lo ngại không biết mối quan hệ xung đột đó có bị đẩy lên thành cao trào trong buổi tối 28-2 không. Nếu chuyện đó xảy ra, rất có thể nó sẽ ảnh hưởng tới phong thái cùng giọng điệu hòa giải mà ông Trump mong muốn thể hiện.

Một số thành viên đảng Dân chủ đã lên kế hoạch thực hiện các dạng thức biểu tình ngấm ngầm như tổ cức triển lãm với người nhập cư, các cộng đồng thiểu số và cộng đồng LGBT.

Năm 2009 dân biểu Joe Wilson từng hét lên "Ông nói dối!" khi ông Obama đang có bài phát biểu về vấn đề cải cách y tế. Khoảnh khắc gây sốc đó đã khiến ông Joe Wilson bị Hạ viện chính thức khiển trách.

Cho tới nay ông Trump vẫn thể hiện là người không dễ nao núng trước những lời chỉ trích trực diện gay gắt, thậm chí cả với những người biểu tình trong chiến dịch tranh cử của ông. Vậy nên người ta sẽ chờ xem cách hành xử của ông như thế nào nếu những tình huống bất lợi tương tự có thể xảy đến với ông trong bài phát biểu quan trọng này.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Ngày 4/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia...

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top