Singapore đang nỗ lực chuẩn bị để giảm thiểu tác động của sự nóng lên toàn cầu. Ảnh: CTV
Trong bài diễn văn hằng năm dịp Ngày Quốc khánh, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng "Cần tiêu tốn bao nhiêu để bảo vệ bản thân trước tình trạng nước biển dâng cao? Tôi đoán có lẽ là 100 tỷ đô la Singapore, và hoàn toàn có thể cao hơn thế".
Trước nguy cơ nước biển dâng, nhà lãnh đạo Singapore cho biết các lựa chọn trong tương lai của Singapore sẽ bao gồm việc xây dựng các khu đất lấn biển, các khu vực đất khai hoang từ một vùng nước hoặc khai hoang một loạt các hòn đảo ngoài khơi và kết nối chúng. Hiện nay, Singapore đã thực hiện một số hành động, bao gồm đánh thuế carbon và yêu cầu các cơ sở hạ tầng quan trọng trong tương lai như nhà ga và cảng sân bay mới phải được xây dựng ở các khu vực có nền mặt đất cao hơn.
Đầu năm nay, chính phủ Sinapore tuyên bố sẽ chi 400 triệu đô la Singapore trong hai năm tới để nâng cấp và duy trì hệ thống thoát nước của đất nước và tăng cường khả năng chống lũ.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã đưa ra các ý kiến trên trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc khánh hàng năm, được CNA trích dẫn vào hôm qua, trong đó ông đã đưa ra các chính sách và ưu tiên cho chính phủ.
Trong bài phát biểu, ông cũng cho biết Singapore sẽ tăng dần tuổi nghỉ hưu thêm ba năm lên 65 tuổi. Theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ chính thức tăng lên 63 vào năm 2022 từ mức tuổi nghỉ hưu hiện tại là 62 tuổi và tăng đến 65 tuổi vào năm 2030.
Singapore, nơi có tuổi thọ dài nhất trên thế giới, ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các cư dân lớn tuổi khi tỷ lệ sinh giảm và lao động nước ngoài bị hạn chế.
"Thực tế, hầu hết người cao niên trên không muốn ngừng làm việc", Thủ tướng nói. "Chúng tôi khỏe mạnh lâu hơn và sống lâu hơn, nhưng chúng tôi không muốn dành nhiều năm hơn cho nghỉ hưu."
Singapore cũng sẽ tăng tuổi được gọi là tái sử dụng từ 67 lên 70 vào năm 2030. Theo luật tái sử dụng, các công ty ở Singapore được yêu cầu cho phép nhân viên đủ điều kiện lựa chọn tiếp tục làm việc cho đến khi họ 67 tuổi.
BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA)