Chăm sóc y tế đúng cách và kịp thời sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ sống sót ở trẻ em mắc ung thư. Ảnh: Telemundo
Mới đây, trong một tuyên bố ngày 15/2 (Ngày Quốc tế về Ung thư ở Trẻ em) nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh này, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) khẳng định, việc cung cấp dữ liệu tốt hơn sẽ giúp làm giảm gánh nặng ung thư ở trẻ em.
Các chuyên gia của LHQ cảnh báo, để chống lại căn bệnh ung thư và bất bình đẳng ở trẻ em, cần phải nắm được quy mô của vấn đề và quốc gia cư trú của người bệnh. Nếu ở các nước thu nhập cao, 80% trẻ em mắc ung thư có thể được chữa khỏi, thì ở các nước thu nhập thấp và trung bình, chỉ có khoảng 20% các bệnh nhânh nhỏ tuổi được cứu sống.
Theo cơ quan LHQ, sự bất bình đẳng là do sự thiếu nhận thức của các chuyên gia y tế, thiếu cơ sở hạ tầng y tế và các cơ sở chẩn đoán, cũng như điều trị hiệu quả. Do đó, quốc gia nơi cư trú của người bệnh có thể dự đoán tốt nhất về kết quả của những trẻ em bị ung thư, các chuyên gia lưu ý.
Theo WHO, chăm sóc y tế đúng cách và kịp thời sẽ làm tăng tỷ lệ sống sót một cách đáng kể, nhưng nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi ở những quốc gia này không được điều trị đúng.
Dữ liệu chất lượng cao là rất quan trọng
Ngoài ra, việc thiếu cơ sở hạ tầng và nơi thăm khám ung thư chất lượng cao ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp có nghĩa là dữ liệu phác thảo về gánh nặng của bệnh ung thư ở trẻ em đang khan hiếm. Ví dụ, thông tin về tỷ lệ mắc ung thư chỉ được ghi nhận ở 5% dân số trẻ em Châu Phi và tỷ lệ sống sót còn có tỷ lệ thấp hơn.
Dữ liệu của WHO cho thấy so với người lớn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi các loại ung thư khác nhau. Gần một nửa số bệnh ung thư ở trẻ em có liên quan đến tế bào máu và các khối u ác tính khác, thường gặp nhất là các khối u của hệ thống thần kinh trung ương và các khối u phát triển từ các mô phôi thai.
Để giúp hiểu rõ hơn và chống lại bệnh ung thư ở trẻ em, IARC đã tham gia Sáng kiến Toàn cầu về Ung thư ở Trẻ em của WHO, nhằm tìm ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận chẩn đoán và chất lượng điều trị, và cải thiện kết quả điều trị cho tất cả trẻ em.
Theo nhà khoa học của IARC, Tiến sĩ Eva Steliarova-Foucher, cơ quan nghiên cứu có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật có giá trị để giúp các quốc gia xây dựng hệ thống thông tin của họ và sử dụng dữ liệu về tỷ lệ mắc ung thư, tỷ lệ sống và tử vong để lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá tình trạng mắc ung thư.
Nhiều quốc gia không nhận thức được mức độ của gánh nặng ung thư ở trẻ nhỏ, bác sĩ Elisabete Weiderpass của IARC cho biết, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, việc thiếu dữ liệu chất lượng cao làm cản trở các chính phủ xác định chính sách y tế công cộng hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Sáng kiến toàn cầu đang hướng tới tỷ lệ sống sót ít nhất là 60% cho trẻ em bị ung thư trên toàn cầu vào năm 2030. Mục tiêu này cao gần gấp đôi tỷ lệ sống hiện tại và nếu đạt được, khoảng 1 triệu trẻ em sẽ cứu sống trong thập kỷ tới.
Tố Quyên (Lược dịch từ UN)