ClockThứ Hai, 14/05/2018 06:40

Du lịch tác động đến môi trường nhiều hơn tưởng tượng

TTH.VN - Theo một nghiên cứu lần đầu tiên trên thế giới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Climate Change, lượng khí thải carbon từ du lịch lớn gấp 4 lần so với những gì chúng ta vẫn nghĩ trước đây.

Thái Lan đẩy mạnh phát triển du lịch năm 2018Vượt London, Bangkok trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giớiASEAN phát triển Du lịch sinh thái hướng tới phát triển bền vững

Du khách chụp ảnh tại New York City, Mỹ. Ảnh: Reuters

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney, Đại học Queensland và Đại học Quốc gia Cheng Kung đã hợp tác cùng nhau để đánh giá toàn bộ chuỗi cung ứng du lịch, bao gồm việc vận chuyển, ăn ở, thực phẩm và đồ uống, quà lưu niệm, quần áo, mỹ phẩm và các hàng hóa khác.

Theo đó, du lịch tạo ra khoảng 8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhiều hơn so với các ước tính trước đó.

Phát triển nhanh chóng

Du lịch là ngành công nghiệp hàng tỷ USD, và đang phát triển nhanh hơn so với thương mại quốc tế.

Nghiên cứu được tiến hành trên hơn một tỷ chuỗi cung ứng của một loạt các mặt hàng được khách du lịch tiêu thụ để xác định mức độ phát thải thực tế do du lịch tạo ra. Bằng các phương pháp chuyên môn, nghiên cứu đã xác định được lưu lượng carbon giữa 160 quốc gia từ năm 2009 đến năm 2013.

Kết quả cho thấy, lượng khí thải liên quan đến du lịch tăng khoảng 15% trong khoảng thời gian trên, từ 3,9 gigatonnes (Gt) carbon dioxide lên 4,5Gt. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ vấn đề giao thông, mua sắm và thực phẩm của du khách.

Theo ước tính, với nhu cầu du lịch ngày càng tăng và tình hình kinh doanh không có gì biến động, lượng khí thải carbon từ du lịch toàn cầu sẽ tăng đến khoảng 6,5Gt vào năm 2025, chủ yếu là do thu nhập tăng cao.

Khách du lịch Trung Quốc chờ xe buýt trên một con phố ở khu mua sắm Ginza ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong nghiên cứu, các chuyên gia so sánh hai quan điểm phân bổ trách nhiệm đối với phát thải bao gồm: số liệu dựa trên điểm cư trú và dựa trên điểm đến.

Quan điểm trước đây phân bổ lượng phát thải cho quốc gia cư trú của khách du lịch, sau đó đến quốc gia điểm đến. Nói một cách đơn giản, khí thải carbon có liên quan đến du lịch là trách nhiệm của khách du lịch hay các điểm đến du lịch?

Nếu trách nhiệm nằm với du khách, thì nên xác định các quốc gia đưa nhiều khách đi du lịch nhất thế giới, và tìm cách để giảm lượng khí thải carbon trong các chuyến du lịch của họ.

Mặt khác, việc tính toán dựa trên điểm đến có thể cung cấp thông tin chi tiết về các điểm du lịch (như các hòn đảo nổi tiếng) có lợi nhất từ ​​cải tiến công nghệ và các quy định để giảm lượng khí thải carbon của du lịch.

Theo dõi lượng phát thải theo tính toán dựa trên điểm đến trong một khoảng thời gian cụ thể có thể giúp các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách trả lời các câu hỏi về sự thành công của các chương trình khuyến khích và các quy định, đồng thời đánh giá tốc độ khử cacbonat của các ngành liên quan đến du lịch.

Khách du lịch tận hưởng ánh mặt trời trên cảng Palma de Mallorca, đảo Mallorca của Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu, Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về phần lớn các phát thải liên quan đến du lịch theo cả hai quan điểm – là nơi xuất phát của nhiều du khách cũng như có nhiều khách du lịch đến thăm nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Đức và Ấn Độ.

Nhưng trên cơ sở bình quân đầu người, tình hình có vẻ khá khác biệt. Điểm đến là các đảo nhỏ có điểm bình quân trên đầu người cao nhất. Maldives đứng đầu danh sách với 95% lượng phát thải liên quan đến du lịch đến từ khách quốc tế.

Khách du lịch chịu trách nhiệm từ 30 đến 80% lượng khí thải quốc gia của các nền kinh tế đảo. Những phát hiện này đặt ra câu hỏi về tác động của du lịch trên các quốc đảo nhỏ.

Tác động đến các đảo nhỏ

Các đảo nhỏ phụ thuộc vào thu nhập từ khách du lịch. Đồng thời, những khách du lịch này cũng là mối đe doạ rất lớn tính đa dạng sinh học bản địa của các đảo. Các quốc đảo nhỏ thường không có khả năng nắm bắt các cải tiến công nghệ do các nền kinh tế nhỏ có quy mô và địa điểm bị cô lập.

Maldives, Mauritius và các đảo nhỏ khác đang tích cực tìm hiểu cách xây dựng năng lực tái tạo năng lượng nhằm giảm cường độ carbon của các khách sạn địa phương, các điểm giao thông và giải trí.

Chính phủ Philippines cho biết, sự phát triển du lịch không được kiểm soát ở Boracay đang hủy hoại môi trường. Ảnh: AFP

Xây dựng nhận thức ở nhiều cấp độ

Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ cung cấp một điểm khởi đầu cho các cuộc hội thoại giữa công chúng, các công ty và các nhà hoạch định chính sách về du lịch bền vững. Những thay đổi thực sự sẽ đến từ việc thực hiện các quy định và khuyến khích các hoạt động carbon thấp.

Tuy nhiên, ở cấp độ cá nhân, nên xem xét lượng carbon của chuyến bay, và hỗ trợ các công ty du lịch có mục tiêu hoạt động bền vững.

Tố Quyên (Lược dịch từ CNA & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top