Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) Gunnar Wiegand. Ảnh: Reuters
Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) Gunnar Wiegand cũng cho rằng, quan hệ song phương EU-Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn "rực rỡ", nhưng vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hơn nữa quan hệ trong nhiều lĩnh vực.
"Hàn Quốc đang bị đe dọa đặc biệt bởi sự phát triển liên quan đến vũ khí hạt nhân và sử dụng các tên lửa đạn đạo mà chúng ta đã chứng kiến ngày hôm qua," ông nói trong một bài phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp Ủy ban Kinh tế chung Hàn Quốc-EU lần thứ 13 đang được tổ chức tại Seoul để thảo luận về các vấn đề kinh tế đa dạng.
"EU hoàn toàn ủng hộ Hàn Quốc trong những nỗ lực nhằm đảm bảo không có sự leo thang căng thẳng", ông Wiegand nói thêm.
Căng thẳng đã gia tăng kể từ khi Bắc Triều Tiên bắn thử 2 tên lửa được cho là tên lửa đạo đạo tầm trung Musudan vào hôm qua. Vụ phóng đầu tiên được cho là đã kết thúc trong thất bại. Nhưng tên lửa thứ hai đã bay được khoảng 400 km và đạt độ cao khoảng 1.000 km – kết quả mà các nhà phân tích cho rằng là dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên đã có thể đã khắc phục một số vấn đề của các tên lửa Musudan trong quá khứ. Bình Nhưỡng sau đó cũng tuyên bố vụ phóng thứ hai là một "thành công."
Đề cập đến mối quan hệ chặt chẽ giữa EU và Hàn Quốc, nhấtlà trên mặt trận kinh tế, ông Wiegand nói rằng EU có quan hệ "rất tốt" và "rất gần gũi" với Hàn Quốc, và nhấn mạnh rằng cần phải tăng cường nỗ lực để nâng cao hơn nữa mối quan hệ vốn đã mạnh mẽ này.
"Tôi nghĩ rằng khi nhìn vào mối quan hệ song phương thuần túy của chúng ta, đây thực sự là mối quan hệ tuyệt vời. Rất ít khi tôi có thể nhìn thấy một quan hệ tiến triển như vậy với rất ít vấn đề tồn đọng", ông nói. "Nhưng tất nhiên, chúng ta cũng không nên tự mãn. Chúng ta luôn luôn cần phải nắm bắt mọi cơ hội".
Trong bài phát biểu ở cuộc họp, Phó Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Hàn Quốc Lee Tae-ho nói rằng, thỏa thuận thương mại tự do Hàn Quốc-EU có hiệu lực vào năm 2011 đã mang lại cho cả 2 một "nền tảng" để tương tác kinh tế tốt hơn và giúp Seoul nhận được những tác động "tích cực" trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra.
"Nhiều chủ đề sáng nay sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, và tôi hy vọng rằng cuộc thảo luận của chúng ta sẽ mang đến thêm những nền tảng khác để chũng ta tiếp tục hợp tác với nhau" ông nói.
Trong khi đó, cả hai bên không đề cập đến bất cứ điều gì liên quan đến quyết định sắp tới của Anh về việc ra đi hay ở lại trong EU và bất kỳ tác động nào mà Brexit có thể gây ra cho mối quan hệ song phương giữa 2 bên.
Tố Quyên (Lược dịch từ Yonhap)