|
Ngày dân số thế giới năm nay nhấn mạnh nhu cầu chăm lo cho các bé gái vị thành niên - Ảnh: Getty |
Ngày dân số thế giới bắt đầu từ năm 1989, lấy cảm hứng từ ngày thế giới đạt mốc 5 tỉ người vào ngày 11-7-1987.
Sau đó, ngày này được LHQ công nhận là ngày lễ quốc tế nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số.
Ngày dân số thế giới năm nay có chủ đề "Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên" nhằm nâng cao nhận thức cũng như kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng thế giới trước các vấn đề gây tổn hại tới sức khỏe và cơ hội sống của các em như làm mẹ sớm, bị ép buộc tảo hôn và không có điều kiện được học hành.
Dưới đây là một số thống kê đáng chú ý liên quan tới vấn đề dân số toàn cầu:
1. Dân số thế giới đạt mốc 6 tỉ người vào năm 2000 và 7 tỉ vào năm 2011. Hiện tại dân số thế giới là 7,43 tỉ người.
2. Cho tới năm 1804, dân số thế giới vẫn ở dưới mức 1 tỉ người và đạt mốc 2 tỉ người năm 1927, 3 tỉ năm 1960 và 4 tỉ năm 1974. Đáng chú ý, từ mốc 3 tỉ năm 1960 lên mốc gấp đôi 6 tỉ vào năm 2000 của dân số thế giới chỉ là 40 năm.
3. Trung Quốc với 1,38 tỉ dân và Ấn Độ với 1,33 tỉ dân là những nước có số dân đông nhất.
Ngoài ra, các nước khác cũng có dân số thuộc diện đông nhất thế giới là Mỹ với 324 triệu người, Indonesia với 260 triệu và Brazil với 209 triệu. Với tốc độ tăng dân số nhanh hơn Trung Quốc, dự kiến trong vài năm tới, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc.
|
Trung Quốc với 1,38 tỉ dân và Ấn Độ với 1,33 tỉ dân là những nước có dân số đông nhất thế giới - Ảnh: Getty |
4. Cứ mỗi giây thế giới lại có 4,3 người sinh ra và 1,8 người chết đi. Và như vậy, mỗi giây dân số thế giới tăng 2,5 người.
5. Dân số thế giới vào thời điểm Chúa Jesus ra đời ước tính có khoảng 300 triệu người, tức là còn ít hơn dân số Mỹ hiện nay.
6. Khoảng 1,8 tỉ người trên thế giới trong độ tuổi 10-24, đây cũng là tỉ lệ dân số trẻ lớn nhất trước nay. Trên thực tế, khoảng 52% dân số thế giới hiện ở độ tuổi dưới 30.
7. Chúng ta đang thực sự có quá nhiều người trên thế giới này không? Nếu hình dung tất cả người dân trên thế giới này đứng cạnh nhau, họ sẽ phủ kín một diện tích 1.300km2, nhỏ hơn diện tích thành phố Los Angeles.
8. Sự khác biệt về tuổi thọ trung bình giữa người dân ở các nước phát triển và các nước nghèo cách nhau khoảng 50 năm, hay lần lượt là 77,1 tuổi và 55,9 tuổi.
Các quốc gia châu Phi ở vùng hạ Sahara là những nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất, 51,5 tuổi. Trong khi đó, các nước Tây Âu và Bắc Mỹ có tuổi thọ trung bình cao nhất, lần lượt là 80,3 tuổi và 79,3 tuổi.
9. Tên phổ biến nhất thế giới là Mohammed hoặc một vài biến thể của tên này. Đây là cái tên của khoảng 150 triệu đàn ông trưởng thành hoặc các bé trai.
Người ta cho rằng sở dĩ cái tên này phổ biến vì những gia đình Hồi giáo thường có truyền thống đặt tên con trai đầu lòng của họ là Mohammed theo tên của đấng tiên tri đã sáng lập ra đạo Hồi.
Tương tự như vậy, tên Mary (hoặc một vài biến thể khác như Maria) được cho là tên phổ biến nhất của phụ nữ trưởng thành hoặc các bé gái phương Tây. Đó là vì các gia đình theo Thiên Chúa giáo thường đặt tên con gái họ theo tên của Đức mẹ đồng trinh Maria.
10. Cứ 20 phút lại có thêm 3.000 người được sinh ra trên thế giới. Tuy nhiên, cũng trong cùng khoảng thời gian này, các loài động thực vật khác cũng dần bị tuyệt chủng và có tới 27.000 giống loài sinh vật tuyệt chủng mỗi năm.
11. Nếu mạng xã hội Facebook là một quốc gia, nó sẽ là nước có đông dân số thứ 3 thế giới với 1,39 tỉ dân truy cập mạng này mỗi tháng.
Theo Tuoitre