Các nhà lãnh đạo thế giới đạt được đồng thuận trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tháng 12/2015. Ảnh: Reuters
Các nhà lập pháp thông qua dự luật về việc phê chuẩn Hiệp định Paris trong một phiên họp toàn thể được thu xếp vội vàng trong ngày. Tổng cộng có 19 dự luật và nghị quyết được phê chuẩn liên quan đến các vấn đề ngoại giao đã được thông qua tại kỳ họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng phe phái không ngừng tăng cao từ vụ bê bối liên quan đến bà Choi Soon-sil - bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye.
Động thái này được đưa ra chỉ một ngày trước khi Hiệp ước quốc tế về khí hậu bắt đầu chính thức có hiệu lực, sau khi nó được thông qua bởi 195 quốc gia trong tháng 12 năm ngoái.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này nhằm kiếm chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C, tốt nhất là 1,5 độ C độ trên mức tiền công nghiệp, để giảm thiểu rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu. Hiệp định Paris sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto vốn sẽ hết hạn vào năm 2020.
Trung Quốc là nước sản xuất ra lượng khí thải nhà kính hàng đầu thế giới, chiếm hơn 20% tổng lượng phát thải toàn cầu, tiếp theo là Mỹ với 17,9% và Nga. Theo số liệu gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này là quốc gia phát thải lớn thứ 9 trên thế giới.
Nga và Nhật Bản là hai nước duy nhất trong số 10 quốc gia phát thải hàng đầu nhung vẫn chưa ký vào thỏa thuận.
"Thông qua việc phê chuẩn Hiệp định Paris, chính phủ Hàn Quốc, là một thành viên của chế độ khí hậu mới, sẽ phản ứng một cách hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu và chủ động tham gia vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để xử lý các vấn đề này", Bộ Ngoại giao cho biết trong một thông cáo báo chí.
Theo đó, Hàn Quốc sẽ ngay lập tức đệ trình văn kiện phê chuẩn hiệp ước lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại New York. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào ngày 3/12, 30 ngày sau khi phê chuẩn.
Trong Hiệp định Paris, Hàn Quốc cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 38 phần trăm so với mức kinh doanh như thường lệ vào năm 2030.
Tố Quyên (Lược dịch từ Yonhap)