Thứ Năm, 22/03/2018 08:20
(GMT+7)
Hướng đi giúp ASEAN không ngừng hội nhập và phát triển
Theo bài viết, dỡ bỏ các rào cản thương mại và những hạn chế khác giữa các nước ASEAN có thể sẽ giúp khu vực, với nền kinh tế chung ước tính lên tới 2.600 tỷ USD và hơn 622 triệu dân, hoạt động hiệu quả hơn.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia chụp ảnh chung tại hội nghị cao cấp đặc biệt ASEAN-Australia diễn ra tại Sydney. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trang mạng theconversation.com ngày 21/3 đăng tải bài viết nhấn mạnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được những dấu mốc quan trọng trong vài năm trở lại đây, chẳng hạn như thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Khu vực Thương mại tự do ASEAN, song cho rằng đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên hướng tới xây dựng một thị trường đơn nhất. Do đó cần có thêm nhiều bước tiến tích cực hơn.
Theo bài viết, dỡ bỏ các rào cản thương mại và những hạn chế khác giữa các nước ASEAN có thể sẽ giúp khu vực, với nền kinh tế chung ước tính lên tới 2.600 tỷ USD và hơn 622 triệu dân, hoạt động hiệu quả hơn.
Một thị trường chung sẽ không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân sinh sống trong khu vực mà còn là cơ hội lớn để các nước láng giềng, trong đó có Australia, xuất khẩu sản phẩm công nghệ, các mô hình giáo dục cao, các sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên như khí đốt.
Trong những thập kỷ trước, mức tăng trưởng thường niên của ASEAN là khoảng 7%. Tổng kim ngạch thương mại của ASEAN đã tăng lên gần 1.000 tỷ USD trong giai đoạn từ 2007-2014, với kim ngạch thương mại nội khối chiếm phần lớn.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng kéo theo sự gia tăng nhu cầu về nguồn vốn để phục vụ phát triển kinh tế. ASEAN đã thu hút được lần lượt 136 tỷ USD và 121 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong năm 2014 và 2015, chiếm tới 11% tổng dòng vốn từ nước ngoài trên thế giới.
ASEAN được thành lập vào năm 1968 với mục đích củng cố hợp tác khu vực và cùng đối phó với các thách thức địa chính trị sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và Chiến tranh Lạnh.
Hai cuộc chiến này kết thúc cũng đã khép lại cái gọi là chủ nghĩa thực dân và đô hộ ở Đông Nam Á, dẫn đến sự hình thành nhiều quốc gia độc lập và có chủ quyền.
Trong bối cảnh đó, những mối quan hệ và hợp tác mới trong khu vực là yếu tố hết sức quan trọng giúp ngăn chặn âm mưu quay trở lại xâm lược của các thế lực bên ngoài khu vực.
Việc thành lập một tổ chức như ASEAN là cần thiết để giúp nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp tại Đông Nam Á đảm bảo an ninh và phát triển đúng hướng.
Tuy nhiên, ASEAN cũng đối mặt không ít thách thức trong việc tìm cách hội nhập mà không phải sáp nhập các hệ thống kinh tế và chính trị khu vực.
Điều này thể hiện qua Cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á 1997. Áp lực về vấn đề tiền tệ tại Thái Lan đã buộc chính phủ khi đó phải hạ giá đồng baht. Khủng hoảng cũng nhanh chóng lan tới Philippines, Indonesia và Malaysia.
Chuyên gia Michael Heng từng chỉ ra rằng khác biệt quan trọng nhất giữa Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN chính là các quốc gia Đông Nam Á không phải từ bỏ chủ quyền của mình vì lợi ích xây dựng một cộng đồng.
Theo bài viết, dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng ASEAN đã xây dựng được một trong những tổ chức liên chính phủ khu vực ổn định nhất. Để tiến về phía trước, ASEAN cần giữ vững sức bền và ý chí kiên cường trước các áp lực về chính trị và kinh tế, kiên trì mục tiêu xây dựng “Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025” để thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực.
Bài viết kết luận ASEAN cũng cần tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Và để làm được như vậy, ASEAN cần chú trọng tới hợp tác với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản theo nhóm ASEAN+3.
Tương tự, nhóm hợp tác gồm Australia, New Zealand và Ấn Độ (ASEAN+6) cũng sẽ giúp tăng cường hội nhập giữa các nước khu vực, do 3 nước này là các quốc gia có nhiều quan điểm, góc nhìn và giá trị đa dạng mà ASEAN có thể học hỏi và hiện đại hóa cấu trúc của mình, cũng như thúc đẩy hội nhập nội khối và tăng cường kết nối với các quốc gia lớn khác trong khu vực châu Á.
Theo Vietnam+