Cảnh kẹt xe ở Indonesia - Ảnh chụp màn hình
"Tổng thống đã chọn phương án di dời thủ đô ra khỏi đảo Java, một quyết định quan trọng", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Indonesia Bambang Brodjonegoro thông báo ngày 29/4.
Quyết định của Tổng thống Joko Widodo được đưa ra trong một phiên họp nội các cùng ngày.
"Chúng ta phải có suy nghĩ, có tầm nhìn vì sự tiến bộ của đất nước này. Việc chuyển thủ đô đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cụ thể", ông Widodo nhấn mạnh.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống hôm 17/4 cho thấy nhà lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp trung lưu đã giành chiến thắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Theo ông Brodjonegoro, khi quyết định dời đô, ông Widodo đã cân nhắc việc có tới 60% trong tổng số 260 triệu dân Indonesia đang sinh sống trên đảo Java. Các hoạt động kinh tế trọng yếu của đất nước đều nằm trên hòn đảo có diện tích 128.000 km2 này.
Jakarta có khoảng 10 triệu dân nhưng số người sống tại các khu vực xung quanh thủ đô lên tới 30 triệu người. Điều này thường dẫn tới tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở thủ đô, gây thiệt hại mỗi năm 100 ngàn tỉ rupiah (khoảng 7,04 tỉ USD).
Thủ đô hiện tại cũng nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.
Ông Brodjonegoro cho biết tổng thống vẫn chưa chọn được nơi dời đô nhưng đang cân nhắc "Đông Du", tức dời về các hòn đảo phía đông của Indonesia.
Một trong những ứng cử viên cho thành phố thủ đô mới là Palangkaraya ở tỉnh miền trung Kalimantan trên đảo Borneo, hãng thông tấn nhà nước Antara đưa tin hồi đầu năm nay.
Chính quyền địa phương đã chuẩn bị 300.000 ha đất trong trường hợp nó được chọn làm nơi đặt các cơ quan đầu não của đất nước, Antara cho biết thêm.
Trung tâm hành chính Putrajaya của Malaysia - Ảnh: DUY LINH
Tuy nhiên, quan chức Indonesia cũng thừa nhận việc chuyển thủ đô không phải một sớm một chiều mà có thể mất tới 10 năm, ví dụ như trường hợp của Brazil và Kazakhstan.
Việc chuyển thủ đô cũng không phải hiếm ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2005, Myanmar đã chuyển thủ đô từ Yangon, thành phố lớn nhất nước này, về Naypyidaw cách đó hơn 300km.
Năm 1995, để tránh cảnh đông đúc và kẹt xe tại Kuala Lumpur, chính quyền Malaysia cũng dời các trụ sở công quyền ra Putrajaya. Các đại sứ quán nước ngoài, hoàng cung và quốc hội vẫn được đặt tại Kuala Lumpur.
Theo Tuoitre