Thứ Bảy, 30/06/2018 14:41
(GMT+7)
Lào thông qua 5 bộ luật mới tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII
Sau 18 ngày nhóm họp, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII của Lào đã chính thức bế mạc ngày 28/6.
Một kỳ họp Quốc hội Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Tại kỳ họp, Quốc hội Lào đã xem xét và thông qua các báo cáo của chính phủ gồm: Báo cáo về công tác tổ chức, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch ngân sách quốc gia trong 4 tháng đầu năm, dự báo công tác thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 và phương hướng những công việc tập trung 6 tháng cuối năm; Báo cáo về công tác tổ chức, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc ban hành các văn bản dưới luật và những ảnh hưởng của việc sử dụng hóa chất độc hại quá tiêu chuẩn đối với môi trường, xã hội và thiên nhiên.
Quốc hội Lào cũng đã xem xét và thông qua Báo cáo Kế hoạch tổng thể quốc gia về quy hoạch đất đai đến năm 2030; Báo cáo về cơ cấu giá xăng dầu, việc tổ chức thực hiện công tác 3 xây gắn với công tác phát triển nông thôn và xóa nghèo, biện pháp, cách thức giải quyết các hiện tượng tiêu cực trong xã hội...
Đồng thời, kỳ họp cũng đã xem xét thông qua 13 bộ luật, trong đó gồm 5 luật mới: Luật về Hội cựu chiến binh; Luật về tái định cư và nghề nghiệp; Luật về quản lý nợ công; Luật biển hiệu; Luật về sử dụng vắcxin phòng bệnh, cùng 8 luật sửa đổi: Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Lào; Luật hộ khẩu; Luật Ngân hàng; Luật thuế giá trị gia tăng; Luật Mặt trận Tổ quốc; Luật tranh chấp kinh tế; Luật bay dân sự và Luật bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, kỳ họp còn xem xét thông qua việc bổ nhiệm 11 thành viên Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao theo đề xuất của Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; xem xét thông qua báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Quốc hội.
Trước đó, cũng tại kỳ họp, Chính phủ Lào cũng đã đề xuất trước Quốc hội 8 biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước, gồm: (1) ngăn chặn nạn lạm phát và sửa đổi chính sách tiền tệ; (2) cải thiện môi trường và tạo thuận lợi cho kinh doanh; (3) tiếp tục giải quyết nợ trong nước; (4) quản lý thu-chi; (5) phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khuyến khích sản xuất; (6) sửa đổi cơ chế đầu tư; (7) quản lý đất và nguồn thu từ đất; (8) theo dõi kiểm tra đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách nghiêm túc./.
Theo Vietnam+