Các bức tượng ở đảo Phục Sinh có nguy cơ bị cuốn trôi ra biển do xói lở bờ biển. Ảnh: AP
Những nước đang phát triển như Nepal - quê hương của Núi Everest, và Uganda - nơi du khách thường đến xem những con khỉ đột núi, có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi dựa vào thu nhập từ du lịch nhiều hơn so với các nước phát triển, các chuyên gia cho biết trong một báo cáo.
"Đối với họ, đó là nguồn doanh thu và thu nhập rất quan trọng. Đó là một yếu tố kinh tế để có một khu di sản thế giới", ông Adam Markham, tác giả chính của báo cáo và là Phó Giám đốc Liên minh các nhà khoa học quan tâm đến các vẫn đề toàn cầu (UCS), nói với Reuters.
"Nếu các thuộc tính đầu tiên có thể thu hút khách du lịch đến các khu vực nói trên bị tàn phá do biến đổi khí hậu, đó có thể là một đòn mạnh đánh vào các nền kinh tế du lịch", ông Markham cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn.
Du lịch là một trong những ngành phát triển mạnh nhất và nhanh nhất, tạo ra 9% GDP thế giới và cung cấp 1/11 lượng công ăn việc làm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và UCS cho biết.
Trong khi việc quản lý du lịch yếu kém tự nó đã có thể gây tổn hại cho các khu di sản thế giới, thì biến đổi khí hậu cũng mang đến nguy cơ làm mất đi những đặc tính khiến các khu di sản này trở thành những điểm đến hấp dẫn với du khách.
"Một số bức tượng ở đảo Phục Sinh có nguy cơ bị cuốn trôi ra biển do xói lở bờ biển", ông Markham cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo phân tích 31 di sản tự nhiên và văn hóa thế giới tại 29 quốc gia, trong đó có thành phố cảng Cartagena của Colombia, Phố cổ Hội An của Việt Nam và quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương – những nơi đang bị đe dọa bởi tình trạng thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ cao, mực nước biển tăng và hạn hán nghiêm trọng.
Báo cáo cũng cho rằng, bảo tồn các khu di sản thế giới là rất quan trọng vì rừng và môi trường sống ven biển có thể giúp lưu trữ cacbon và chống lại các cơn bão hay lũ lụt, tìm hiểu các tác động của biến đổi khí hậu và thử nghiệm các chiến lược phục hồi.
Để giữ gìn các khu di sản thế giới, cần phải đạt được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C, theo thỏa thuận của các nhà lãnh đạo thế giới tại Paris hồi tháng 12 năm ngoái, các chuyên gia cho biết.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & CBC)