|
Công nhân vệ sinh là một nghề đặc biệt ở Singapore - Ảnh: Reuters |
Công nhân vệ sinh là thành phần lao động đặc biệt tại Singapore. Đất nước này nổi tiếng với danh hiệu thành phố sạch hàng đầu
thế giới. Tuy nhiên, đổi lại là chi phí và những vấn đề khác cần phải giải quyết.
“Nghìn đô” chưa đủ
Ngày 12/12, Hiệp hội liên minh các công đoàn thương mại ở Singapore (NTUC) công bố các kế hoạch tăng lương giai đoạn 2017-2019 cho công nhân vệ sinh.
Điều này đồng nghĩa hơn 40.000 lao công, người dọn dẹp vệ sinh tại nước này sẽ được tăng thêm 200 đôla Singapore (SGD), tương đương 3 triệu đồng mỗi tháng.
NTUC ước tính từ năm 2012-2015, lương cơ bản trung bình của những công nhân vệ sinh là công dân Singapore đã tăng 9% mỗi năm, trong khi lương gross (lương trả trước khi trừ bảo hiểm và thuế) tăng 12% mỗi năm.
Đến thời điểm tháng 6/2015, lương trung bình cho những công nhân vệ sinh ở Singapore là 1.100 SGD, còn lương gross là 1.200 SGD, theo Channel News Asia.
Nhưng bất kể luôn được quan tâm đặc biệt, thể hiện qua tuyên bố tăng lương nêu trên, tỉ lệ thôi việc của nghề này tại Singapore vẫn rất cao.
Điều đó đòi hỏi chính phủ và ban ngành cần đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc đi kèm ngoài thu nhập cho công nhân để “giữ hình ảnh và tiêu chuẩn” của lĩnh vực này.
Straits Times ngày 13/12 dẫn lời ông Leow Chin Kia, công nhân vệ sinh 73 tuổi đã ăn lương 1.300 SGD trong 8 năm liền, khẳng định mức ấy không đủ.
Ông Leow cho biết ông vẫn muốn làm việc để không phải là gánh nặng của gia đình, nhưng dù khỏe khoắn vẫn cần đến bác sĩ vì những vấn đề sức khỏe.
Trong khi đó, bà Junaina Ismail, 59 tuổi và có 15 năm trong nghề này, thừa nhận là nạn nhân của việc bị điều chỉnh mức lương từ 1.400 SGD còn 1.100 SGD do công ty “chuyển công tác”.
Nhiều công nhân vệ sinh được hỏi cũng tiết lộ họ đang tìm kiếm các cơ hội công việc khác với hi vọng cải thiện thu nhập.
Tăng lương không phải là tất cả
Theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý Hay Group, các nước châu Á nói chung sẽ phải tăng lương thực nhận trung bình lên 4,3% trong năm 2017, nhằm đáp ứng với tình hình lạm phát trong khu vực. Đây là mức tăng cao nhất toàn cầu. Theo đó, Thái Lan sẽ phải tăng lương 5,6%, Indonesia 4,9%, Ấn Độ 4,8% và Singapore từ 4-4,7%.
Mức lương dự kiến này xét theo tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng dù bị dự báo tiêu cực ở tình trạng giảm phát, một cuộc khảo sát gần đây trên 400 công ty tại Singapore cho thấy hơn 3/4 bên sử dụng lao động tại nước này gần như chắc chắn phải tăng lương.
Theo lý giải của Stephen Choo, chuyên viên cao cấp của bộ phận Korn Ferry thuộc Hay Group tại Singapore, điều này liên quan đến chuyện chính sách việc làm và những điều chỉnh nhằm thu hút, giữ chân tài năng của các công ty.
“Với việc thắt chặt chính sách lao động nước ngoài và sự thiếu hụt các nguồn lực đủ chuyên môn ở mức độ cao cấp đến trung bình, năm 2017, ưu tiên hàng đầu của các công ty là tập trung vào việc giữ chân người tài” - ông Stephen Choo nói.
Dù thiếu lao động, khan hiếm tài năng, Singapore vẫn phải tìm cách cân bằng điều này với chính sách tạo công ăn việc làm của người dân trong nước.
Từ năm 2012, nước này đã nâng độ tuổi lao động tối đa từ 62 lên 65, và sẽ lên 67 vào năm 2017, với mục đích khuyến khích người già tiếp tục làm việc. Singapore sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự nước ngoài cho những vị trí cần chuyên môn, còn lao động phổ thông sẽ là người trong nước.
Dù vậy, theo đà này, đến năm 2030 rất có thể đảo quốc sư tử sẽ “bạc đầu” với tỉ lệ cứ 5 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi, theo The Guardian.
Trong môi trường kinh tế trì trệ, ngoài việc tăng lương, các công ty cũng tìm kiếm những phương án sáng tạo để giữ những người tài của họ. Đây có thể bao gồm việc cung cấp các dịch vụ hướng dẫn, tạo sự tiếp cận đến đào tạo lối sống hoặc thậm chí cho phép nhân viên đem thú cưng tới chỗ làm việc.
“Tạo hấp dẫn cho môi trường làm việc sẽ là cách hỗ trợ cho gánh nặng lương bổng và duy trì cam kết của người lao động” - ông Stephen Choo nói thêm.
Singapore từ chối biệt hiệu “thiên đường thuế”
Singapore lâu nay được xem là nước ưu đãi thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, nhưng Bộ Tài chính nước này lại vừa lên tiếng bác bỏ một báo cáo gần đây xếp họ đứng thứ 5 trong số những “thiên đường thuế” toàn cầu, theo Straits Times.
Một người phát ngôn của Bộ Tài chính khẳng định chính sách thuế đưa ra nhằm hỗ trợ tối đa cho các hoạt động kinh tế tạo công ăn việc làm với người lao động tay nghề cao cũng như có khả năng gắn bó lâu dài, xây dựng cho Singapore.
Tuy nhiên, mọi hành vi trốn thuế đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Hiện tại, Singapore đánh thuế doanh nghiệp 17%, một trong những mức thuế thấp nhất thế giới.
|
Giảm tiền thưởng
Cơ quan Dịch vụ công của Singapore (PSD) vừa công bố số liệu tiền thưởng cuối năm của công chức nước này sẽ là 1,5 tháng lương (đã bao gồm thưởng tháng 13).
Tính ra, công chức Singapore được thưởng 1,95 tháng lương trong năm 2016, gồm 0,45 tháng lương hồi giữa năm. Năm 2015, mức thưởng tổng cộng là 2,15 tháng lương. Đây được xem là hệ quả từ đợt giảm phát của Singapore.
Tuy nhiên PSD khẳng định đối với những người có lương thấp hơn mặt bằng, số tiền thưởng chưa bao gồm thưởng tháng 13 vẫn sẽ nhận ít nhất 900 USD (khoảng 20 triệu đồng), theo Asia One.
Singapore không quy định mức lương tối thiểu, nhưng những người nhận ít hơn khoảng 1.300 SGD (khoảng 20 triệu đồng) mỗi tháng bị cho là thấp hơn mặt bằng.
|
Theo Tuoitre