Mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Philippines, đặc biệt trong quân sự, không dễ bị lung lay
Dù đã không ít lần phải nghe những lời lẽ gây sốc của ông R. Duterte về quan hệ Philippines - Mỹ nhưng Washington vẫn không khỏi bất ngờ với tuyên bố tại Bắc Kinh của ông R. Duterte.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ J. Kirby ngay lập tức phản ứng: “Chúng tôi sẽ yêu cầu Tổng thống R. Duterte giải thích chính xác về ý nghĩa câu nói của ông khi tuyên bố chia tách với Mỹ. Chúng tôi vẫn chưa rõ về ý nghĩa thực sự của câu nói đó cũng như ngụ ý đi kèm”.
Quan hệ Mỹ - Philippines, một trong những quan hệ lâu dài và quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đang ở vào thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử. Mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu từ năm 1898, sau khi Tây Ban Nha nhượng lại thuộc địa Philippines cho Mỹ.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Philippines trở thành một nước độc lập. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì ảnh hưởng tại nước này và coi đây là vị trí chiến lược trong chiến lược quân sự của mình.
Dù sau này Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự ở Philippines nhưng hợp tác an ninh và kinh tế Mỹ - Philippines vẫn được đặc biệt coi trọng. Đặc nhiệm Mỹ tiếp tục đào tạo và tư vấn cho quân đội Philippines trong chiến dịch chống lại phiến quân Abu Sayyaf chuyên bắt cóc và chặt đầu người phương Tây. Lúc cao điểm, các hoạt động chống khủng bố của Philippines - Mỹ lên tới hơn 1.000 người, trước khi kết thúc chính thức năm 2015 và Mỹ chỉ để lại một vài cố vấn, đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ.
Tuy nhiên, sự phân hóa giàu - nghèo quá mức cùng tỷ lệ người nghèo khá cao là thách thức lớn mà ông R. Duterte phải giải quyết nếu muốn ổn định tình hình đất nước. 13 thỏa thuận trong các lĩnh vực thương mại, hợp tác văn hóa, du lịch, chống ma túy và hàng hải với tổng trị giá tới 13,5 tỷ USD mà Philippines ký được với Trung Quốc trong chuyến thăm vừa kết thúc có thể coi là thành tích đối ngoại lớn đầu tiên của ông R. Duterte, tạo cơ sở để ông thúc đẩy kinh tế trong nước.
Nhưng cắt hẳn quan hệ với Mỹ thì chắc là điều khó có thể xảy ra. Hiện nay, Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất của Philippines với khoản vốn đầu tư trực tiếp trong năm 2015 đạt 731 triệu USD, đa phần trong số đó được đổ vào ngành sản xuất chế tạo.
Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu máy móc thiết bị đạt khoảng 5 tỷ USD và may mặc đạt hơn 1,1 tỷ USD. Theo khảo sát dư luận, có tới 81% số người Philippines tỏ ra “tin tưởng” vào Mỹ, chỉ 9% “ít tin tưởng”.
Sức nặng của mối quan hệ đồng minh trong suốt 70 năm khiến Manila không dễ quay mặt với Washington để quyết đi hẳn với Bắc Kinh.
Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi ngay sau tuyên bố gây sốc của ông R. Duterte, Bộ trưởng Thương mại Philippines R. Lopez đã phải tìm cách hạ nhiệt dư luận khi khẳng định “tuyên bố trên không bao gồm những gì đang diễn ra trong lĩnh vực thương mại và đầu tư”.
Theo ông R. Lopez, Tổng thống R. Duterte định nhấn mạnh tới mong muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thay vì quá phụ thuộc vào một phía.
Theo Dân trí