ClockThứ Sáu, 21/09/2018 11:01

Moon Jae-in Triều Tiên du ký: Ước mơ của một người, khát vọng của một dân tộc

Tổng thống Hàn Quốc đã hoàn thành được ước nguyện đặt chân đến “cái nôi” của dân tộc Triều Tiên, và trước mắt ông là khát khao thống nhất 2 miền.

Hàn Quốc và Triều Tiên đồng tổ chức Thế vận hội mùa hè 2032Hàn Quốc, Triều Tiên thống nhất triển khai phương thức phi hạt nhân hóaLạc quan về việc đoàn tụ các gia đình ly tán

Có lẽ không một hình ảnh nào mang tính biểu tượng hòa giải cao hơn và thể hiện cam kết thống nhất Bán đảo Triều Tiên mạnh mẽ hơn là chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến núi Paekdu, ngọn núi cao nhất Bán đảo Triều Tiên, nơi được xem là “cái nôi” của dân tộc Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nắm tay nhau trên đỉnh Peakdu. Ảnh: AP
 
Sáng 20/9, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un đã cùng đặt chân lên đỉnh núi cao nhất Bán đảo Triều Tiên để ăn mừng thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn – Triều, mà kết quả cụ thể là Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9.  

Chuyến leo núi chung sáng 20/9 được xem là cái kết cực kỳ ngoạn mục cho chuyến thăm 3 ngày đến Triều Tiên của ông Moon Jae-in, mà từ đó đã có hàng loạt kết quả cụ thể, bao gồm cam kết của ông Kim Jong-un về việc có những bước tiến cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa, như là dỡ bỏ các bãi thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và lời hứa thăm Bình Nhưỡng. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí có các biện pháp giảm căng thẳng quân sự và tăng cường hơn nữa trao đổi nhân dân, hợp tác kinh tế giữa 2 nước, như là nối lại các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên biên giới và hợp tác vận động cùng đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2032.

Chuyến thăm Peakdu là phần “vĩ thanh” truyền cảm hứng mạnh mẽ về hy vọng và niềm tin sau chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống  Moon Jae-in, nhiều hơn cả những cam kết “giấy trắng, mực đen” mà ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra.

Huyền thoại mới về Peakdu

Với người Hàn Quốc, núi Paekdu, hay Peakdusan (tên tiếng Hán là Bạch Đầu Sơn hay núi Trường Bạch, nằm ở biên giới Triều Tiên với Trung Quốc) là nơi sinh của Dangun, người sáng lập vương triều đầu tiên của Triều Tiên, Gojoseon hơn 4000 năm trước và được nhắc tới trong quốc ca của nước này.

Còn với người Triều Tiên, ngọn núi cao 2744m này có ý nghĩa đặc biệt bởi đây được cho là nơi Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đặt căn cứ kháng chiến chống đế quốc Nhật, là nơi sinh của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un.

Nhiều năm qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là thường đến thăm núi Paekdu mỗi khi đưa ra những quyết định quan trọng, trong đó có lần thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng năm 2016, và lần gần đây nhất là tháng 12/2017, khi tuyên bố Triều Tiên đã hoàn tất mục tiêu trở thành quốc gia hạt nhân.

 “Có rất nhiều huyền thoại về núi Peakdu” – bà Ri Sol-ju, phu nhân của ông Kim Jong-un giới thiệu với Tổng thống Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook. “Có người nói rằng một con rồng từng sống ở đó và đã bay lên thiên đường. Người khác lại nói các nàng tiên từ thiên đường đến đây và tắm bằng nước trên đỉnh núi vì thế nên nước ở đây rất trong. Giờ thì 2 người [ông Moon Jae-in và bà Kim Jung-sook] cũng đã đến đây và một huyền thoại nữa lại được tạo ra”.

Ước mơ của một “người gốc Triều Tiên”

Peakdu giống như một “thánh địa” với người dân trên Bán đảo Triều Tiên mà rất nhiều người mong mỏi được đặt chân đến đây, trong đó có ông Moon Jae-in, một người rất thích leo núi và đã leo lên Himalaya ít nhất 2 lần. Nhưng chỉ có một số ít người Hàn Quốc có thể thăm núi Peakdu này từ phía Triều Tiên và phần lớn là với mục đích nghiên cứu.

Ông Moon Jae-in từng được một người bạn ở Trung Quốc mời đi thăm ngọn núi nằm ở biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng ông đã từ chối vì ao ước được leo lên ngọn núi thiêng này từ phía Triều Tiên.

Đó là một ao ước cực kỳ “tự nhiên” đối với một người gốc Triều Tiên như ông Moon Jae-in. Cha mẹ của Tổng thống Moon Jae-in đã chạy sang Hàn Quốc trong chiến tranh liên Triều và ở khu sơ tán Hungnam, một trong những trung tâm cứu trợ dân thường lớn nhất của quân đội Mỹ.

Tổng thống Moon Jae-in đã được sinh ra trong một trại tị nạn ở Geoje, ngày nay nằm trên lãnh thổ Hàn Quốc. Nhưng chị gái của mẹ ông đã không đặt chân được tới Hàn Quốc. Năm 2004, chính ông Moon Jae-in, khi đó chỉ là thư ký cấp cao của Tống thống Hàn Quốc về các vấn đề dân sự và xã hội, đã đưa mẹ ông trở lại miền Bắc đoàn tụ với chị gái của mình ông trong cuộc đoàn tụ các gia đình bị li tán thứ 10 giữa 2 miền.

“Moon Jae-in chắc chắn nặng gánh tâm tư muốn thực hiện ước nguyện của cha mẹ mình, đó là được chôn cất ở quê hương [ở Triều Tiên]” - Yang Hak-do, 85 tuổi, một người cùng di tản với cha mẹ của ông Moon cho biết.

Trong bữa tối vào cuộc gặp đầu tiên với ông Kim tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) hồi tháng 4, ông Moon đã bày tỏ mong muốn được leo lên ngọn núi Peakdu và tin rằng ông Kim Jong-un có thể giúp ông thực hiện được nguyện vọng đó.

Ông Kim Jong-un đã nhận lời và ông Moon Jae-in đã trở thành Tổng thống tại vị đầu tiên của Hàn Quốc thăm núi thiêng Paekdu từ phía Triều Tiên.

“Tôi tin rằng sẽ đến lúc dân thường từ Hàn Quốc cũng được đến thăm, ngắm cảnh ở núi Peakdu” – ông Moon Jae-in vừa nói, vừa phóng tầm mắt về phía hồ Cheonji, nghĩa là “Thiên đường”, sâu 325m, xanh thẳm như viên ngọc giữa vùng lòng chảo trên miệng núi lửa Peakdu.

“Ông có muốn xuống hồ Thiên Đường không?” - Ông Kim Jong-un hỏi ông Moon Jae-in.

“Nếu hồ Thiên Đường không từ chối tôi, tôi sẽ nhúng đôi tay của mình xuống nước” – ông Moon đáp lời.

Trong cái lạnh tê tái trên đỉnh “Bạch đầu”, khi nhiệt độ hạ xuống chỉ 2 độ C, ông Moon Jae-in chạm đôi tay trần vào mặt nước hồ Cheonji và múc đầy một chai nước. Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook cũng lấy ra một chai nhựa, nói rằng trong đó đựng nước từ đảo Jeju ở miền Nam, rót một nửa vào hồ nước rồi lại múc đầy nước hồ vào đó, như một biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc.

Ông Moon Jae-in lấy đầy chai nước hồ Cheonji. Ảnh: Reuters
 
Khát vọng “Một dân tộc”

“Vì hòa bình và thịnh vượng, ý thức về dân tộc chỉ có một” – ông Moon Jea-in viết trong sổ lưu bút tại trụ sở đảng Lao động Triều Tiên.

Có lẽ đó là tâm tư, là tiềm thức của rất nhiều người Triều Tiên và Hàn Quốc, rằng dù đã chia cắt 65 năm, dân tộc Triều Tiên chỉ có một.

Không có nam hay bắc trong dòng chữ ghi trên chiếc Không Lực Một của Hàn Quốc, chuyên cơ chở Tổng thống Moon Jae-in thăm Triều Tiên. Chỉ có 1 chữ “Korea”, nghĩa là Triều Tiên trong chữ Bán Đảo Triều Tiên chứ không phải là “South Korea”, tức Nam Triều Tiên, hay tên gọi chính thức là Hàn Quốc.

Không có nam hay bắc trong bản đồ trên lá cờ mà người dân Triều Tiên vẫy chào ở sân bay và 2 bên đường, tại bất cứ đâu mà ông Moon Jae-in đặt chân tới ở Bình Nhưỡng. Chỉ có hình ảnh một Bán đảo Triều Tiên thống nhất xuất hiện ở khắp nơi.

Bình mình trên đỉnh Peakdu và một ngày mới thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên?

“Có một câu nói cổ xưa của chúng tôi cho rằng, chúng ta đón mặt trời ở Peakdu và mừng sự thống nhất ở Halla” – phu nhân Ri Sol-ju chia sẻ.

Halla mà bà Ri nói tới là đỉnh núi cao nhất và là một điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Hàn Quốc. Câu nói đó đã cho thấy sợi dây liên kết chưa bao giờ bị cắt đứt giữa miền Bắc và miền Nam Bán đảo Triều Tiên.

Một số quan chức cấp cao Hàn Quốc tháp tùng ông Moon Jae-in đã gợi ý mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un và vợ đến núi Halla.

Điều đó rất có thể xảy ra khi mà ông Kim trước đó đã hứa sẽ thăm Seoul trong tương lai gần. Đó sẽ là chuyến thăm thủ đô Hàn Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Có thể cũng như chuyến “Triều Tiên du ký” của ông Moon Jae-in, “Hàn Quốc du ký” của ông Kim Jong-un sẽ làm nên một bước đột phá nữa.

Hay như lời ông Kim Jong-un trên đỉnh Bạch Đầu rằng: “Chúng ta nên viết một chương khác trong lịch sử giữa miền Bắc và miền Nam bằng việc soi trang sử mới vào hồ Thiên Đường này”./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP. Huế

Ngày 17/11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã đến đình làng Dương Xuân Hạ chung vui và phát biểu chúc mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng bà con tổ dân phố 12, phường Thủy Xuân (TP. Huế). Cùng dự có bà Nguyễn Thị Ái Vân, TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại TP Huế
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển

Ngày 9/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030).

Thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển
Mở rộng hợp tác văn hóa giữa Huế và Gyeongju

Sáng 22/10, UBND TP. Huế tổ chức lễ tiếp xã giao đoàn Ủy ban văn hóa TP. Gyeongju (Hàn Quốc) do ông Park Gwang-ho, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa TP. Gyeongju làm trưởng đoàn. Chủ trì buổi tiếp có Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trương Đình Hạnh cùng đại diện các phòng, ban.

Mở rộng hợp tác văn hóa giữa Huế và Gyeongju
Return to top