ClockThứ Ba, 04/10/2016 09:32

Mỹ ngừng đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn ở Syria

Ngày 3/10, Mỹ tuyên bố đã ngừng các cuộc đàm phán với Nga về nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Syria đồng thời cáo buộc Moskva không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 9/9.

Nga-Mỹ đạt thỏa thuận đột phá về vấn đề SyriaNgoại trưởng Nga và Mỹ nhất trí củng cố lệnh ngừng bắn ở SyriaLệnh ngừng bắn ở Syria có thể là “cơ hội cuối cùng để ngăn chặn bạo lực”Nga, Mỹ nhất trí kéo dài lệnh ngừng bắn mong manh tại Syria

Cảnh đổ nát ở Aleppo. (Nguồn: BBC)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nêu rõ: "Mỹ sẽ ngừng tham gia các kênh song phương với Nga, vốn được thiết lập để duy trì lệnh ngừng các hành động thù địch. Đây không phải là một quyết định được đưa ra nhẹ nhàng."

Ông Kirby cho biết thêm quân đội Mỹ và Nga sẽ tiếp tục sử dụng một kênh liên lạc được lập ra để đảm bảo các lực lượng hai bên không "ngáng đường nhau" trong các chiến dịch chống khủng bố ở Syria. 

Tuy nhiên, Mỹ sẽ rút về nước các nhân viên được điều tới Geneva, Thụy Sĩ, để thiết lập Trung tâm triển khai chung với các sĩ quan Nga nhằm phối hợp các cuộc không kích phiến quân thánh chiến. 

Ngoài ra, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ đình chỉ đàm phán với Nga về việc khôi phục thỏa thuận đạt được hôm 9/9 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã có phản ứng ngay sau khi Washington tuyên bố ngừng các tiếp xúc với Moskva về lệnh ngừng bắn tại Syria. 

Người phát ngôn Bộ trên Maria Zakharova bày tỏ Nga lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, cho rằng Washington đang tìm cách đổ trách nhiệm cho Moskva về sự thất bại của thỏa thuận này trong khi Nga đã có những bước đi trong thời gian gần đây nhằm duy trì lệnh ngừng bắn. 

Ngoài ra, bà Zakharova nhận định việc Washington không hành động sẽ giúp các phiến quân thánh chiến tại Syria có cơ hội tái nhóm và củng cố lực lượng.

Ngày 9/9, ngoại trưởng Nga và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận 5 điểm thiết lập ngừng bắn và đặt cơ sở nối lại tiến trình chính trị tại Syria. 

Tuy nhiên, thỏa thuận này liên tục bị vi phạm và đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích vào binh lính chính phủ Syria và một đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc bị tấn công, trong đó các bên đổ lỗi cho nhau về hành động này.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn truyền thông khu vực cho biết, ngày 3/10, Liên hợp quốc đã bắt đầu xem xét dự thảo nghị quyết nhằm áp đặt một lệnh ngừng bắn tại thành phố Aleppo của Syria cũng như chấm dứt tất cả các chuyến bay quân sự trên không phận thành phố này

Theo các nguồn tin ngoại giao, dự thảo nghị quyết do Pháp soạn thảo đã được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào cuối tuần qua và một cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra trong tuần này. 

Nghị quyết của LHQ được cho là nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp giữa Nga và Mỹ trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria, vốn đã khiến hơn 300.000 người thiệt mạng và khoảng 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. 

Aleppo đã hứng chịu các cuộc không kích gần như hàng ngày kể từ hôm 22/9 khi quân đội Syria thông báo chiến dịch tấn công nhằm giành lại khu vực phía Đông của thành phố này hiện do các lực lượng đối lập kiểm soát.

Theo dự thảo nghị quyết do Pháp và Tây Ban Nha đồng bảo trợ, Hội đồng Bảo an LHQ có thể áp đặt thêm các biện pháp nếu các bên không tuân thủ. 

Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre tuyên bố: "Trách nhiệm của chúng tôi là làm mọi thứ có thể để thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt xung đột tại Aleppo." 

Dự thảo nghị quyết nêu rõ mức độ bạo lực tại Aleppo đang ngày càng leo thang và không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn, tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và ngừng tất cả các chuyến bay quân sự trên không phận Aleppo.

Bản dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhanh chóng đưa ra các lựa chọn để thiết lập một cơ chế giám sát đối với lệnh ngừng bắn, với sự hỗ trợ của 23 quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria, đồng thời yêu cầu tất cả các bên tham chiến tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt là chính quyền Syria, thực hiện ngay các nghĩa vụ của mình. 

Các bên cần phải "thực thi và đảm bảo thực thi đầy đủ lệnh ngừng các hoạt động thù địch," trong đó có việc chấm dứt tất cả các cuộc động ném bom và không kích.

Cũng theo dự thảo nghị quyết của LHQ, Hội đồng Bảo an sẽ lưu ý tới thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian đồng thời hoan nghênh ý định của hai nước này thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm ổn định tình hình tại Syria, với các biện pháp đặc biệt dành cho khu vực Aleppo. 

Hội đồng Bảo an LHQ cũng hối thúc Nga và Mỹ đảm bảo việc thực thi ngay lập tức lệnh ngừng các hoạt động thù địch, bắt đầu với Aleppo. 

Biện pháp mới nhất của LHQ cũng đề cập đến các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria và tuyên bố rằng bên nào chịu trách nhiệm sẽ phải giải trình./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top