ClockThứ Sáu, 25/11/2016 15:37

Mỹ rút lui khỏi TPP mở ra cơ hội vàng cho Trung Quốc?

Theo các chuyên gia, việc Mỹ thoái lui Hiệp định TPP sẽ mở đường cho Trung Quốc giữ vị trí "cầm lái" về thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Singapore: TPP không có Mỹ sẽ trở thành một thỏa thuận mớiChính quyền Tổng thống Obama từ bỏ nỗ lực thông qua TPPNhật hối thúc quốc hội chóng thông qua TPPTương lai nào cho TPP?Singapore và Australia kêu gọi Mỹ hiện diện tại châu Á, phê chuẩn TPPNgoại trưởng Mỹ: Bác bỏ TPP sẽ gây phương hại an ninh quốc giaThủ tướng Úc kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định TPP

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ đã tái khẳng định cam kết đưa nước Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP
 Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, tỉ phú Trump hứa sẽ đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định TPP vốn là một trong yếu tố quan trọng trong chiến lược "xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Barack Obama.

Chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử vào đầu tháng này gần như đã làm tiêu tan những cơ hội của hiệp định TPP dự kiến sẽ được Nghị viện Mỹ thông qua trong một vài năm tới và bao phủ tương lai của một siêu thoả thuận thương mại tự do đầy hoài bão.

Trong một đoạn băng ghi hình phác thảo kế hoạch 100 ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng được công bố vào ngày 21/11, ông Trump đã nói: "Tôi sẽ ban hành thông báo rút lui khỏi TPP, một hiểm hoạ tiềm tàng cho đất nước chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ thương lượng các thoả thuận thương mại song phương công bằng để đem việc làm và công nghiệp quay trở lại đất Mỹ”. 

Nhắc lại một trong những khẩu hiệu được sử dụng trong chiến dịch vận động tranh cử và đã làm nên chiến thắng bất ngờ của mình trước đối thủ nặng ký Hillary Clinton, ông Trump cho hay chương trình nghị sự của ông sẽ dựa trên một nguyên tắc căn bản "Đặt nước Mỹ lên hàng đầu."

Ông Trump phát biểu: "Cho dù là sản xuất thép, chế tạo ô tô hay chữa bệnh, tôi muốn thế hệ sản xuất và đổi mới tiếp theo sẽ diễn ra ngay tại đây, trên nước Mỹ vĩ đại của chúng ta để tạo ra sự giàu có và việc làm cho người lao động Mỹ."

Ông Trump cho biết nhóm quá độ của ông đang lên danh sách các biện pháp mà không cần phải có sự phê chuẩn của Nghị viện, trong đó có thông báo về việc Mỹ rút lui khỏi TTP trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng.

Cơ hội vàng cho Trung Quốc 

Hiệp định TPP từng được đánh giá là phương cách để Mỹ đẩy mạnh các hoạt động kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời giúp Washington đối trọng lại thế lực ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh trong khu vực. 

Vì vậy, các nhà phê bình cho rằng quyết định đưa nước Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP của ông Trump sẽ mở đường cho Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.

Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng, Trung Quốc đã đẩy mạnh xúc tiến một phương án thương mại tự do thay thế tại châu Á dưới hình thức Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Tham gia RCEP gồm có 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đã có hiệp định thương mại tự do với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tan Jian, một quan chức thuộc phái đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua cho biết ngày càng có thêm nhiều nước muốn tham gia RCEP trong đó có Peru và Chile và các nước thành viên RCEP hiện thời muốn sớm đạt được một thoả thuận để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. 

Đại diện các nước tham gia đàm phán RCEP sẽ nhóm họp vòng thứ 16 vào tháng tới tại Jakarta, trong đó có bảy nước thành viên TPP (Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Brunei). Bà Deborah Elms, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại châu Á (ATC) tại Singapore, nhận định: "Bảy nước này sẽ có thể thúc đẩy RCEP để đạt được mức hoài bão cao hơn với chín nước đối tác châu Á còn lại, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ."

Cũng theo chuyên gia thương mại Elms, thiệt hại từ sự sụp đổ TPP sẽ là đáng kể bởi "các nước thành viên TPP trông cậy vào hiệp định này để hỗ trợ các cuộc cải cách trong nước và trông chờ đạt những lợi ích kinh tế lớn nhờ sự liên kết sâu rộng giữa 12 thị trường." Vì vậy, bà Elms tin rằng các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ đẩy mạnh hơn đến một thoả thuận thương mại thay thế. 

Liệu có thể đạt được một TPP không có Mỹ?

Phản ứng sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump về sự thoái lui TPP, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết: "Hiệp định TPP sẽ là vô nghĩa nếu không có Mỹ."

Tuy nhiên, tại hội nghị APE) gồm 21 nước ở thủ đô Lima (Peru) trước đó một số nhà lãnh đạo APEC cho biết TPP có thể tiếp tục nếu Mỹ không tham gia. Một số ý kiến khác cho rằng điều này sẽ đòi hỏi tổ chức đàm phán lại hoàn toàn.

Trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng, Tổng thống Obama cho hay huỷ bỏ TPP có thể là một sai lầm đối với Mỹ. Ông nói: "Tôi không nghĩ việc thoái lui có thể làm lung lay vị thế của chúng ta trong khu vực và làm mất đi khả năng của nước Mỹ trong việc định hình các quy định thương mại toàn cầu theo cách phản ánh các giá trị và quyền lợi của mình."

Thủ tướng Canada, một thành viên của TPP song không tham gia RCEP, ông Justin Trudeau, cho biết Canada vẫn giữ sự lựa chọn mở về các thỏa thuận thương mại trong tương lai. 

Tương tự, Australia tuyên bố sẽ theo đuổi các cơ hội khác nhau, trong đó có RCEP. Nói về nguy cơ Hiệp định TPP đổ vỡ, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho hay: "Australia không đặt toàn bộ số trứng của mình vào một giỏ."

Trung Quốc ở vị trí "người cầm lái” 

Phát biểu bên lề Hội nghị Lima, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ mở cửa thị trường rộng rãi hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài và tăng cường vai trò của Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hoá.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã giới thiệu về một dự án về đầu tư và thương mại tự do. Ông Tập Cận Bình hứa sẽ duy trì các thoả thuận thương mại mở cho tất cả các nước tham gia. Ông nói: "Trung Quốc sẽ không đóng cánh cửa với thế giới bên ngoài mà thậm chí sẽ mở rộng cánh cửa của mình rộng hơn nữa."

Theo bà Elms, kế hoạch của Tổng thống đắc cử Trump đưa Mỹ ra khỏi TPP vô hình chung đã đặt Trung Quốc vào vị trí người cầm lái theo cách chưa từng xảy ra trước đây. Chuyên gia này cho rằng hậu quả của việc Mỹ rút lui khỏi TPP thậm chí sẽ là "gây ông đập lưng ông”. Bà nói: "Các công ty Mỹ sẽ bất lợi về cạnh tranh. Họ sẽ có thể phải chuyển hoạt động của mình sang châu Á nhiều hơn vì để sử dụng các hiệp định thương mại hiện hành tại châu Á, các công ty của Mỹ cần phải có trụ sở đóng tại châu Á."

Bà Elms nhận định rằng khả năng đổ vỡ TPP hay chí ít là ở phía "đầu cầu” của Mỹ có nghĩa là xung lượng trong thương mại sẽ chuyển hướng mạnh sang châu Á. Bà nói: "Trong khi Mỹ và châu Âu dường như không sẵn sàng hay không thể đẩy mạnh sự liên kết hơn nữa, thì phần lớn các nước châu Á vẫn tin rằng con đường nhanh nhất dẫn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế dựa vào thương mại."

Thủ tướng New Zealand, John Key, cũng bày tỏ quan điểm tương tự: "Chúng ta muốn sự tham gia của Mỹ trong khu vực. Song nếu không có Mỹ, Trung Quốc sẽ lấp vị trí khuyết này"./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2024:
Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa

Trong bài phát biểu bằng văn bản tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương đan xen sâu sắc vào cấu trúc toàn cầu hóa kinh tế và hiện là một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau với những lợi ích chung và tương lai chung.

Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top