|
Biểu tình chống TPP tại Mỹ hồi tháng 7 năm nay - Ảnh: Reuters |
“Đối với những người bạn và đối tác của Mỹ, phê chuẩn TPP là một phép thử của sự tin cậy và tính nghiêm túc trong mục tiêu của các bạn
|
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu nhân chuyến thăm Washington |
Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tối 26-9 tiếp tục khẳng định quan điểm chống lại việc phê chuẩn TPP - hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử.
Đây là một trong những chủ đề hiếm hoi buộc bà Clinton phải rơi vào thế thủ, trong khi tỉ phú Donald Trump được dịp phô trương và một mực cho rằng bà Clinton thay đổi quan điểm chống lại TPP do... hùa theo ông.
TPP đi dễ khó về...
Việc chỉ trích các hiệp định thương mại là quan điểm xuyên suốt trong kỳ vận động tranh cử năm nay của ông Donald Trump. Tại cuộc tranh luận ngày
26-9, nhà tài phiệt tập trung vào hai mục tiêu chính: Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và TPP.
Có thể tình cờ nhưng chủ đề này thuận lợi đối với ông Trump bởi NAFTA được tổng thống Bill Clinton - chồng bà Hillary - đặt bút ký thời đương nhiệm, trong khi TPP được đích thân bà Hillary mạnh mẽ ủng hộ khi còn giữ chức ngoại trưởng dưới trào Tổng thống Barack Obama.
“NAFTA đã đủ tệ rồi, bây giờ bà lại muốn thông qua TPP... Rồi khi bà nghe tôi nhận xét nó tệ ra sao, bà lại chuyển giọng thành “tôi không thể thắng cuộc tranh luận đó”. Nhưng tôi thừa biết nếu bà thắng thì bà vẫn sẽ thông qua nó” - ông Trump thừa cơ “phê bình” quan điểm thay đổi 180 độ của bà Clinton về TPP. Đáp lại, cựu ngoại trưởng Mỹ khẳng định bà quyết định phản đối TPP chỉ sau khi các điều khoản của hiệp định được công bố.
Trên thực tế, ông Trump đã có bề dày thành tích phản đối TPP thậm chí trước khi trở thành ứng viên tổng thống Mỹ. Hồi đầu năm 2015, ông dự đoán nó sẽ làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ và khiến nhiều người mất việc làm.
Về phần bà Clinton, giới quan sát đánh giá bà không hùa theo ông Trump như ông này tự kết luận. Các điều khoản của TPP được chốt lại ngày 5-10-2015, bà Clinton lên tiếng phản đối ngày 7-10-2015,
tức hai ngày sau.
Trung Quốc hưởng lợi
Dưới trào Tổng thống Obama, Mỹ tiến hành chính sách tái cân bằng quân sự và kinh tế tại châu Á (hay còn gọi “xoay trục sang châu Á”) với hai trụ cột chính: một là tăng cường hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương và hai là thúc đẩy TPP.
Nhưng trụ cột thứ hai đang có dấu hiệu lung lay. Hãng tin Bloomberg của Mỹ nhận định dù ông Trump hay bà Clinton thắng cử vào tháng 11 tới, tâm trạng của một bộ phận cử tri Mỹ vẫn đang chuyển sang chủ nghĩa tự cô lập sau hơn một thập niên nước này tham gia các cuộc chiến tranh cách xa ngàn dặm, bên cạnh đó là mối lo giữ công ăn việc làm.
Bầu không khí xã hội chính là nguyên nhân đe dọa quá trình phê chuẩn TPP tại Mỹ. Các chuyên gia dự báo hệ quả của thay đổi này sẽ nhanh chóng thể hiện ở châu Á. “Bản chất cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông những năm gần đây là họ tin rằng Mỹ không đủ quyết tâm phản ứng mạnh.
Nếu TPP thất bại, Trung Quốc sẽ càng nghĩ người Mỹ không sẵn sàng chịu rủi ro và trả cái giá để chống lại họ” - giáo sư chiến lược học Hugh White thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra nhận định.
“Thất bại trong việc thông qua TPP sẽ tạo ra tác động. Trung Quốc đang hoạt động tích cực tại châu Á và có mối quan hệ vững chắc với các nước láng giềng, chúng tôi dự báo khuynh hướng này sẽ tiếp tục.
TPP sẽ giúp tạo ra sự cân bằng trong khu vực và đặt ra một tiêu chuẩn rất cao về quy định minh bạch, giao thương mở và công bằng” - bà Catherine A. Novelli, thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, cảnh báo.
Theo Tuoitre