Ngày 4/4, các nhà lãnh đạo của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã khẳng định quyết tâm đẩy nhanh những nỗ lực nhằm đảm bảo “bình yên trên thực địa” ở Syria và bảo vệ dân thường ở “những khu vực giảm căng thẳng” tại quốc gia Trung Đông này.
|
Cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran. Ảnh: RFE/RL |
Những tuyên bố trên được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran về Syria diễn ra ở Ankara dưới sự chủ trì của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, cùng với sự tham dự của 2 người người đồng cấp Nga và Iran.
Tuyên bố chung sau hội nghị có đoạn viết: “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tái khẳng định cam kết hợp tác nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa các bên xung đột tại Syria".
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran cũng khẳng định tầm quan trọng của việc chuẩn bị các điều kiện để những người Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột được hồi hương.
Phát biểu sau hội nghị, Tổng thống Iran Rouhani nói rằng, khu vực Afrin, phía Bắc Syria, nên được trao lại cho quân đội Syria. Theo ông Rouhani, những diễn tiến ở Afrin chỉ có thể có ích nếu không vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và việc kiểm soát các khu vực này nên được trao lại cho quân đội Syria.
Hồi đầu tháng 3/2018, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nhóm phiến quân đồng minh đã chiếm được thành phố Afrin sau hai tháng tấn công vào lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Bộ Ngoại giao Syria đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ “lập tức” rút các lực lượng ra khỏi thành phố này.
Ngoài ra, ông Rouhani cũng cáo buộc một số nước phương Tây đã dung túng cho khủng bố nhằm gây bất ổn khu vực.
“Những năm gần đây, khu vực của chúng ta phải đối mặt với vấn đề lớn, đó là khủng bố. Những kẻ khủng bố được một số nước ngoài đào tạo và hỗ trợ tài chính cũng như vũ khí hiện đại. Một số cường quốc muốn các tổ chức khủng bố như Nhóm Nhà nước Hồi giáo và Al Nusra vẫn ở trong khu vực chúng ta như là một công cụ của họ. Tuy nhiên, các quốc gia lớn trong khu vực như Syria và Iraq với sự giúp đỡ của các quôc gia thân thiện đã phá vỡ âm mưu này”, Tổng thống Iran Rouhani nhấn mạnh.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhận định triển vọng tích cực dù chặng đường phía trước ở Syria còn nhiều gian nan: “Cuộc chiến chống lại lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ở Syria không cản trở cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mà ngược lại sẽ giúp sớm kết thúc cuộc chiến với chúng. Những ai không hiểu rằng lực lượng phiến quân người Kurd và IS có cùng chung mục đích, thì không thể đóng góp cho nền hòa bình lâu dài ở Syria”.
Cùng phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị đề cập đến tình hình Syria, Tổng thống Nga Putin nêu rõ, Nga coi việc cuối cùng đánh bại những phần tử khủng bố, những kẻ không chịu từ bỏ mưu toan nhằm gây bất ổn tình hình trên thực địa và đang tìm cách phá hoại những nỗ lực để hướng đến tiến trình hòa bình là mục tiêu chiến lược chung của 3 nước.
Các bên đặt ưu tiên cho các nhiệm vụ về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria... trong khuôn khổ tiến trình Astana trong tương lai.
Ông Putin nhấn mạnh, ngoài cam kết thúc đẩy sự hợp tác 3 bên trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như tăng cường trao đổi thông tin, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng nhất trí thống nhất những nỗ lực giúp tái thiết Syria thời hậu chiến, coi đây là mục tiêu ưu tiên, trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng và xã hội ở quốc gia Trung Đông này.
Đây là hội nghị 3 bên lần thứ hai bàn về tình hình Syria sau hội nghị đầu tiên diễn ra tại Sochi (Nga) hồi tháng 11/2017. Mục tiêu của hội nghị lần này là nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua ở Syria.
Theo giới quan sát khu vực, hội nghị thượng đỉnh 3 bên Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran về tình hình Syria lần này được coi là hình mẫu mới cho việc tăng cường hợp tác.
Mặc dù có những lợi ích khá khác biệt, song 3 nước đã quyết định cùng nhau tận dụng việc phương Tây suy yếu ảnh hưởng tại Syria nhằm nâng cao tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria với vai trò đầu tàu của Nga. Bên cạnh đó, hội nghị cũng phần nào cho thấy sự chủ động của Thổ Nhĩ Kỳ-vốn không phải là đồng minh chủ chốt của Chính phủ Syria.
Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra được một giải pháp phi quân sự cho cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này, góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.
Theo VOV