ClockThứ Ba, 23/04/2019 14:16

Ngành tái chế toàn cầu ảnh hưởng khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa

Lệnh cấm lập tức làm gián đoạn nghiêm trọng dòng luân chuyển hơn 7 triệu tấn rác thải nhựa (trị giá khoảng 3,7 tỷ USD) mỗi năm và khiến các quốc gia phát triển chật vật tìm nơi "đổ rác". Cùng với đó, hoạt động tái chế toàn cầu cũng rơi vào hỗn loạn" sau quyết định của Trung Quốc.

ASEAN chung tay chống rác thải nhựa đại dươngThái Lan ngưng nhập khẩu phế phẩm nhựa từ năm 2020Thuyền buồm Flipflopi mang thông điệp về khủng hoảng rác thải nhựaBali áp thuế du lịch với khách nước ngoài để bảo vệ môi trườngĐông Nam Á khước từ nhập khẩu phế phẩm nhựa

Trung Quốc từng là quốc gia nhập khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tiếp nhận rác thải nhựa từ mọi nơi trên thế giới để tái chế thành những nguyên liệu chất lượng cao hơn, sử dụng trong sản xuất. Theo Tổ chức Tái chế quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ), với vai trò là thị trường tái chế lớn nhất thế giới, quyết định của Trung Quốc chẳng khác nào một cơn địa chấn với thị trường toàn cầu. Sau lệnh cấm, lượng rác thải nhập vào Trung Quốc giảm từ mức 600.000 tấn/tháng của năm 2016 xuống còn 30.000 tấn/tháng vào năm 2018. 

Không thể làm ăn tại Trung Quốc, nhiều nhà tái chế bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á. Với cộng đồng người nói tiếng Trung đông đảo, Malaysia trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà tái chế Trung Quốc. Các số liệu chính thức cho thấy nhập khẩu nhựa của quốc gia này là 870.000 tấn năm 2018, tăng gấp 3 so với năm 2016.

Tại một trị trấn nhỏ ở Jenjarom, cách thủ đô Kuala Lumpur không xa, các lò tái chế rác thải nhựa mọc lên nhan nhản, thường là hoạt động chui hoặc không có giấy phép. Các lò đua nhau phả khói độc suốt ngày đêm. Rác thải chưa xử lý chất đống ngày một cao khi hàng mới từ các quốc gia xa xôi như Mỹ và Brazli vẫn liên tục đổ về. Mùi hôi thối bốc lên bao trùm toàn thị trấn, không chỉ từ các hoạt động tái chế mà cả từ những hoạt động đốt rác thải kém chất lượng không thể tái chế. 

Một báo cáo của Liên minh Toàn cầu các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và Hòa bình Xanh Đông Á công bố ngày 23/4 cũng cảnh báo các quốc gia châu Á đang trở thành "vựa" chứa nhựa tái chế toàn cầu bởi ở nơi đây, rác thải nhựa được thải loại, chôn giấu và đốt một cách bất hợp pháp, với những qui định quản lý lỏng lẻo.

Dựa trên phân tích số liệu hoạt động của 21 nhà xuất khẩu và nhập khẩu rác thải tái chế trong giai đoạn từ 2016 tới 2018 (trước và sau khi Trung Quốc ngừng tiếp nhận rác thải nhựa), báo cáo chỉ ra rác thải nhựa nhập khẩu vào Thái Lan, Malaysia và Việt Nam tăng mạnh từ giữa năm 2017 tới đầu năm 2018, cùng với đó các hoạt động chôn vùi hay đốt rác nơi công cộng một cách bất hợp pháp cũng gia tăng, khiến các nguồn nước ô nhiễm, mùa màng thất thu và bệnh về hô hấp diễn biến phức tạp.

Khi các quốc gia này có các biện pháp hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa cũng là lúc nguồn chất thải này chuyển hướng tới những quốc gia có qui định quản lý lỏng lẻo hơn như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia của GAIA cho rằng trong khi ở nhiều nơi, người dân vẫn tin rằng các rác thải nhựa mà họ đẩy ra môi trường hàng ngày sẽ được tái chế ở đâu đó thì trên thực tế chúng được dồn tới các quốc gia không có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm đang đổ dồn về phía Nam bán cầu.

Không chỉ các cộng đồng ở Đông Nam Á "ngập lụt" vì rác thải nhựa mà ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia và châu Âu, rác thải nhữa cũng bắt đầu chất đống. Theo báo cáo trên, các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu rác thải phải kể đến gồm Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Sau khi Trung Quốc cấm nhập rác thải nhựa, các cơ quan quản lý rác thải tại các quốc gia này cũng đau đầu tìm cách "tẩu tán" chỗ rác thải nhựa hiện không có nơi nào tiếp nhận. Một số địa phương tại Australia đã quyết định hỗ trợ các nhà tái chế trong nước để tìm lời giải cho bài toán này. 

Các quốc gia thành viên của Công ước Basel, công ước toàn cầu về quản lý vận chuyển rác thải độc hại xuyên biên giới, sẽ họp tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 29/4 tới và quyết định về một đề xuất của Na Uy nhằm tạo ra một cơ chế minh bạch hơn trong quản lý trao đổi rác thải nhựa. Nếu đề xuất nhận được ủng hộ, các nhà xuất khẩu rác thải nhựa sẽ phải xin ý kiến từ quốc gia nhập khẩu trước khi hoạt động xuất khẩu diễn ra và phải cung cấp thông tin cụ thể về khối lượng và loại rác thải.

Tuy nhiên, các nhà vận động cho biết trên thực tế, cho tới nay con người mới chỉ tái chế được 9% số nhựa được sản xuất trên toàn cầu. Vì vậy, giải pháp lâu dài duy nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng rác thải nhựa là hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ngày 18/12 cho hay, Chính phủ Australia vừa đóng góp 13 triệu đô la Australia (tương đương 8,4 triệu USD) vào các nguồn lực cốt lõi của UNDP cho năm 2024. Đóng góp đáng kể này thể hiện cam kết liên tục của Australia đối với sự phát triển bền vững và quan hệ đối tác với UNDP.

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu
Trung Quốc chấp thuận vaccine mpox cho thử nghiệm lâm sàng

Tin từ China Daily cho biết, Cơ quan quản lý dược phẩm hàng đầu của Trung Quốc mới đây đã chấp thuận thử nghiệm lâm sàng vaccine mpox (còn gọi là đậu mùa khỉ) do công ty dược phẩm trong nước Sinopharm phát triển. Quyết định này đã nối dài thêm danh sách ngày càng tăng các “ứng cử viên” tiềm năng cho vaccine mpox ở nước này.

Trung Quốc chấp thuận vaccine mpox cho thử nghiệm lâm sàng
Trung Quốc phát hiện hóa thạch của người hiện đại sơ khai

Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã phát hiện hàng chục hóa thạch người có niên đại 300.000 năm. Đây là những hóa thạch sớm nhất được tìm thấy ở Đông Á, là minh chứng về quá trình tiến hóa thành Homo sapiens, được biết đến là người hiện đại sơ khai.

Trung Quốc phát hiện hóa thạch của người hiện đại sơ khai
Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

Trong phát biểu mới nhất tại hội nghị “Hợp tác Trung Quốc - ASEAN về phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI)” vừa diễn ra tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Chen Bo kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc và ASEAN tăng cường hợp tác AI vì tương lai bền vững

TIN MỚI

Return to top