Thứ Ba, 26/09/2017 14:41
(GMT+7)
Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26 tháng 9
TTH.VN - Tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu là một trong những mục tiêu lâu đời nhất của Liên hợp quốc. Đây là chủ đề của nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc năm 1946.
Điêu khắc miêu tả Thánh George giết rồng. Con rồng được tạo ra từ các mảnh SS-20 của Liên Xô và tên lửa hạt nhân của Pershing Hoa Kỳ. (Ảnh LHQ/Milton Grant)
Sau khi giải trừ quân sự tổng thể và hoàn toàn lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng năm 1959, giải trừ hạt nhân vẫn là mục tiêu quan trọng và khẩn cấp nhất của Liên Hiệp quốc trong lĩnh vực này. Kể từ năm 1975, đây là một chủ đề nổi bật của các cuộc hội nghị của các quốc gia tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 1978, phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng về giải trừ quân bị tái khẳng định rằng, ưu tiên cao nhất là các biện pháp hữu hiệu để giải trừ hạt nhân. Và điều này luôn được Tổng thư ký Liên Hiệp quốc ủng hộ.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân. Các quốc gia sở hữu vũ khí này tiếp tục có kế hoạch dài hạn và đầu tư nhiều tiền để có thể hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của họ. Hơn một nửa dân số thế giới vẫn sống ở các quốc gia có vũ khí hoặc là thành viên của liên minh hạt nhân.
“Có rất nhiều con đường dẫn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tôi kêu gọi tất cả các nước tăng cường nỗ lực đóng góp của mình để đạt được điều này theo cách riêng của họ”.
Tổng thư ký António Guterres
|
Đến năm 2017, mặc dù lượng vũ khí hạt nhân được triển khai kể từ thời chiến tranh lạnh đã giảm đáng kể, không một đầu đạn hạt nhân nào bị phá huỷ thực sự theo một hiệp định song phương hoặc đa phương và cũng không có cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân nào được tiến hành. Trong khi đó, học thuyết về răn đe hạt nhân vẫn tồn tại như một yếu tố trong chính sách an ninh của tất cả các quốc gia sở hữu và các đồng minh hạt nhân của họ. Những thách thức an ninh hiện hành không thể là một cái cớ để tiếp tục dựa vào vũ khí hạt nhân và hủy bỏ trách nhiệm chung của chúng ta nhằm tìm kiếm một cộng đồng quốc tế hòa bình hơn.
Chính vì vậy, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã chỉ định ngày 26 tháng 9 là Ngày Quốc tế về Xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Ngày này là dịp để cộng đồng thế giới tái khẳng định cam kết của mình về giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Nó cũng tạo cơ hội để tuyên truyền đến người dân và các nhà lãnh đạo các nước về những lợi ích thực sự của việc loại bỏ vũ khí và chi phí xã hội và kinh tế để duy trì loại vũ khí hủy diệt này.
Kỷ niệm ngày này tại Liên Hiệp quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi Liên Hiệp quốc là nơi thích hợp để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của con người, đạt được hòa bình và an ninh của một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Hiệp định về cấm vũ khí hạt nhân được thông qua ngày 7 tháng 7 năm 2017, đánh dấu một bước quan trọng và đóng góp vào mục tiêu chung về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Hiệp ước phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về nguy cơ gây ra bởi sự tồn tại của vũ khí hạt nhân cũng như nhận thức về những hậu quả nhân đạo thảm khốc có thể xảy ra nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng lại. Đây là kết quả của một chiến dịch toàn cầu tập trung vào việc không chấp nhận sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào và hy vọng rằng, việc thông qua của Hiệp ước sẽ tạo động lực mới trong giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ngọc Hà (dịch từ www.un.org)