ClockThứ Ba, 23/02/2016 17:40

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Mỹ: Nóng vấn đề Triều Tiên, Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến công du Mỹ trong 3 ngày 23-25/2 với trọng tâm bàn về tình hình Triều Tiên và Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và ông Vương Nghị trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh Reuters

Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 22/2 tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ sắp xếp các cuộc thăm viếng và đối thoại cấp cao trong năm 2016, trao đổi về việc hợp tác cũng như cách giải quyết những vấn đề nhạy cảm nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương một cách bền vững thông qua chuyến thăm này”.

Liên quan đến việc Liên Hợp Quốc dự định áp đặt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa, bà Hoa Xuân Doanh nói: “Trung Quốc và Mỹ hy vọng sẽ trao đổi quan điểm của mình về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong chuyến thăm của ông Vương Nghị” và nói thêm rằng, cả 2 bên đều đã liên lạc với nhau để trao đổi về vấn đề này.

Theo bà Hoa Xuân Doanh, Trung Quốc ủng hộ việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra một nghị quyết mới đầy mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên và kêu gọi các bên cần kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi các bên tiến hành đối thoại và thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Trả lời câu hỏi về thông điệp mà Trung Quốc sẽ gửi đến Mỹ liên quan đến tình hình Biển Đông, bà Hoa Xuân Doanh tuyên bố, Mỹ cần tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông và ngừng ngay việc làm trầm trọng hóa vấn đề hoặc làm leo thang căng thẳng.

Bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh, Mỹ không phải là bên có tranh chấp ở Biển Đông nên vấn đề Biển Đông không nên trở thành vấn đề chung giữa Mỹ và Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần đóng vai trò xây dựng trong vấn đề Biển Đông bởi theo bà Hoa Xuân Doanh, việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ đảm bảo được lợi ích chung cho Trung Quốc, Mỹ và các bên liên quan.

Bà Hoa Xuân Doanh chỉ trích Mỹ vì cáo buộc Trung Quốc “cố tình quân sự hóa tình hình Biển Đông” và nhấn mạnh: “Phía Mỹ đang dùng sai từ ngữ bởi những công trình quốc phòng mà Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ của mình [trên thực tế Trung Quốc đã ngang nhiên ra yêu sách chủ quyền đối với hầu khắp Biển Đông và coi đó là lãnh thổ của mình-ND] cũng chẳng khác gì những gì Mỹ làm ở Hawaii”.

Bà Hoa Xuân Doanh cáo buộc rằng, việc Mỹ điều tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Biển Đông để thực hiện các hoạt động giám sát chính là nguồn gốc gây ra mọi căng thẳng và quân sự hóa tình hình Biển Đông.

Bà Hoa Xuân Doanh tuyên bố, việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên các đảo của mình ở Biển Đông [trên thực tế là các đảo nhân tạo hoặc các đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp-ND] là vì mục đích dân sự, không liên quan gì đến việc “quân sự hóa tình hình Biển Đông”.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ sẽ “gây sức ép buộc Trung Quốc phải hạ nhiệt căng thẳng và ngừng việc quân sự hóa ở Biển Đông”.

Theo ông Toner việc Trung Quốc quân sự hóa tình hình Biển Đông chỉ khiến căng thẳng leo thang. Ông Toner kêu gọi cần thiết phải thiết lập một cơ chế ngoại giao cho phép những tranh chấp như ở Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top