ClockThứ Sáu, 26/07/2019 14:59

Người Anh quan tâm đến biến đổi khí hậu hơn chủ đề Brexit

Trong một tuyên bố, bà Laura Taylor, một quan chức Christian Aid, cho biết người Anh đang "lo ngại về các tác động hủy diệt của tình trạng khẩn cấp về khí hậu", dù tình hình chính trị cũng đang khá rối ren.

Australia mong chờ ký kết thỏa thuận thương mại với AnhTân Thủ tướng Anh hứa hẹn một thỏa thuận Brexit mới đầy táo bạoThủ tướng Anh Boris Johnson xây dựng đội ngũ Nội các đa dạngCon đường vươn tới quyền lực của tân Thủ tướng Anh Boris JohnsonLãnh đạo quốc tế chúc mừng tân Thủ tướng Anh Borish Johnson

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tại số 10 phố Downing ở thủ đô London ngày 24/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa nhậm chức ngày 24/7 với cam kết thực thi ý nguyện của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, và sẽ đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào đúng ngày 31/10 tới "bằng mọi giá". Nhưng dù dư luận đang "nóng" lên với những nguy cơ của kịch bản ra đi không thỏa thuận, vẫn có tới 7 trong số 10 người Anh tin rằng biến đổi khí hậu là vấn đề còn hệ trọng hơn về lâu dài so với việc ra khỏi EU.

Cuộc thăm dò trên do hãng khảo sát ComRes tiến hành trong thời gian từ ngày 19- 21/7, và công bố một ngày sau khi "xứ sở sương mù" phải đối mặt với một đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 7. Theo kết quả thăm dò, có tới 2/3 trong số 2.072 người được hỏi cho rằng ông Johnson cần ưu tiên chống biến đổi khí hậu trên cương vị lãnh đạo Chính phủ Anh.

Trong một tuyên bố, bà Laura Taylor, một quan chức Christian Aid, cho biết người Anh đang "lo ngại về các tác động hủy diệt của tình trạng khẩn cấp về khí hậu", dù tình hình chính trị cũng đang khá rối ren. Bà cho biết: "Người Anh hiểu rằng có một cuộc khủng hoảng lớn hơn, có thể gây thảm họa cho toàn thể nhân loại".

Đáng nói là tân Thủ tướng Anh lại có những quyết định trái ngược nhau trong hành động đối với khí hậu. Khi còn là Thị trưởng London, ông Johnson đã có động thái chống lại các nỗ lực giảm khí thải carbon và ô nhiễm không khí khi đưa ra quy định thu hẹp các khu vực phải đóng phí lưu thông nhằm giảm tắc nghẽn trong thành phố, song ông cũng đã khuyến khích người đi xe đạp bằng việc cho ra mắt một hệ thống thuê xe công cộng. Khi làm Ngoại trưởng Anh, ông Johnson cũng là người từng phản đối kế hoạch mở rộng sân bay Heathrow lớn nhất của Anh.

Trong một tuyên bố về ngân sách viện trợ của Anh, vốn chiếm 0,7% GDP, ông Johnson cho biết sẽ sử dụng số tiền này để chống biến đổi khí hậu và những thách thức toàn cầu khác như dịch bệnh và thảm họa nhân đạo.

Theo nghiên cứu mới công bố ngày 24/7, ô nhiễm không khí trên những tuyến đường đông đúc nhất ở điểm du lịch West End trong thủ đô London đã cao hơn gấp 10 lần so với ở những con phố nhỏ hơn cách đó chỉ vài mét.

Thị trưởng thủ đô London, Sadiq Khan cho biết: "Không khí tồi tệ ở London là một cuộc khủng hoảng y tế công cộng dẫn tới hàng nghìn ca chết yểu tại thành phố này mỗi năm, cũng như làm tăng số ca mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Điều quan trọng là chúng ta phải đối mặt với thực tế tình hình hiện nay". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chiến thắng trong cuộc chiến này một mình, chính phủ cần nghiêm túc về không khí mà chúng ta đang thở và đưa ra các hỗ trợ mà London đang cần để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế công cộng này".

Theo TTXVN

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top