Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay
Đây là thông tin vừa được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) cho biết ngày hôm nay (20/3), trong bối cảnh các chuyên gia toàn cầu bắt đầu một cuộc họp kéo dài 3 ngày, nhằm thảo luận cách hạn chế thiệt hại.
Loại sâu bướm được gọi là “sâu xanh mùa thu” (Fall Armyworm) có nguồn gốc từ châu Mỹ, nhưng chúng đã di chuyển về phía đông kể từ năm 2016, đi qua khu vực châu Phi, nơi chúng gây thiệt hại 1-3 tỷ USD, trước khi đến khu vực châu Á.
Loại côn trùng bay này đã đến Ấn Độ hồi tháng 7 năm ngoái và kể từ đó đã lây lan sang Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, theo FAO.
“Sâu xanh mùa thu” chủ yếu sống bằng ngô, và có thể bằng một số loài cây trồng bao gồm gạo và mía, 2 mặt hàng nông nghiệp chính của Thái Lan.
Cuộc họp của FAO diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan từ ngày 20-22/3 quy tụ các quan chức từ những quốc gia bị ảnh hưởng, cũng như các chuyên gia để thảo luận về cách hạn chế sự phá hoại của loại côn trùng này, trong bối cảnh "báo động ngày càng tăng".
Bà Kundhavi Kadiresan, Trợ lý Tổng Giám đốc FAO kiêm Trưởng đại diện của FAO tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương khẳng định trong một tuyên bố: "Chúng ta cần phải làm việc cùng nhau, bởi đây là vật gây hại xuyên biên giới quốc tế, đe dọa an ninh lương thực, các nền kinh tế, cũng như thương mại trong nước và quốc tế".
FAO nói thêm, họ đang làm việc với các chính quyền địa phương và hướng dẫn nông dân quản lý các loài gây hại bằng cách phá huỷ trứng côn trùng và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học; đồng thời lưu ý, thuốc trừ sâu hóa học là một lựa chọn nhưng nên được xem xét cẩn thận do thiệt hại về môi trường và sức khỏe.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse)