Lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong bức ảnh chụp chung tại hội nghị cấp cao năm 2016 ở Peru. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) đại diện Việt Nam tham dự - Ảnh: REUTERS
Xuất phát từ ý tưởng của cựu Thủ tướng Úc Bob Hawke trong một bài diễn văn ngày 31-1-1989 tại Seoul (Hàn Quốc), một diễn đàn cho các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được hiện thực hóa 10 tháng sau đó tại xứ sở chuột túi.
Đại diện của 12 nền kinh tế nằm hai bên bờ Thái Bình Dương gồm Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia đã cùng tề tựu tại Canberra (Úc) trong hai ngày 6 và 7-11-1989, đặt nền móng cho sự ra đời của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Trải qua gần 2 thập kỷ kể từ khi gia nhập, Việt Nam, Nga và Peru vẫn được xem là các thành viên "mới" của diễn đàn. Sau 4 lần mở rộng và kết nạp thành viên, số lượng các nền kinh tế trong APEC đang nằm ở số 21.
Năm 2015, nếu tính APEC như một quốc gia, đây sẽ là siêu nền kinh tế lớn nhất thế giới với hơn 2,8 tỉ dân, chiếm 59% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 49% thương mại thế giới.
Kể từ khi thành lập, GDP thực của toàn APEC đã tăng từ 16.000 tỉ USD năm 1989 lên mức 20.000 tỉ năm 2015; thu nhập bình quân đầu người tăng 74%; hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói và tạo ra tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo.
Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam giữ cương vị chủ nhà các cuộc họp APEC, bao gồm cả cả Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC, sau lần đầu tiên năm 2006.
Một nhà quan sát quốc tế cho rằng vì là diễn đàn về kinh tế nên APEC luôn "nhẹ nhàng" và đầy màu sắc, khác với các cuộc họp an ninh, thượng đỉnh chính trị của khu vực. "Nếu ví APEC như một quốc gia, đó sẽ là một quốc gia thay đổi bản sắc và truyền thống theo từng năm",người này ví von dí dỏm.
Cuộc họp APEC đầu tiên diễn ra tại Úc năm 1989. Đại diện 12 nước sáng lập đồng ý nên tổ chức các cuộc gặp hàng năm sau đó ở cấp bộ trưởng tại Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan - Ảnh: Bộ Ngoại giao New Zealand
Năm 1993, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đã đề nghị nâng các cuộc họp tại APEC lên tầm cấp cao với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thành viên nhằm thúc đẩy Vòng đàm phán Uruguay vốn đang bị trì trệ. Trong ảnh: Tổng thống Bill Clinton (phải) đứng cùng Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (giữa) và Thủ tướng Canada Jean Chrétien (trái) trong Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC đầu tiên năm 1993 tại Seattle (Mỹ) - Ảnh: AFP
Năm 1993, cũng chính ông Bill Clinton là người đã khởi xướng ý tưởng về "đồng phục" cho 14 lãnh đạo các nền kinh tế APEC khi tặng những người đồng cấp chiếc áo khoác bomber. Trong ảnh: một số nhà lãnh đạo APEC mặc "đồng phục" của nước chủ nhà Mỹ trong hội nghị cấp cao đầu tiên năm 1993 - Ảnh: APEC
Ý tưởng "đồng phục" của ông Bill Clinton đã nhận được sự hưởng của nước chủ nhà APEC sau đó là Indonesia. Áo Batik truyền thống được lựa chọn cho các nhà lãnh đạo APEC tham dự hội nghị năm 1994 ở Bogor, Indonesia. Trong Tuyên bố Bogor được đưa ra sau đó, các nhà lãnh đạo đã đề ra mục tiêu đầy tham vọng là "tự do và mở cửa thương mại, đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển trước năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển trước năm 2020" - Ảnh: REUTERS
Các nhà lãnh đạo mặc áo khoác da được may theo kiểu thiết kế kinh điển có từ những năm 1980 tại APEC 1997 ở Canada - Ảnh: CNN
Chiếc áo khoác có thêu hình lá dương xỉ là đồng phục chung của các lãnh đạo tham gia hội nghị cấp cao APEC năm 1999 ở New Zealand. Thủ tướng Phan Văn Khải (phải) đại diện Việt Nam tham dự - Ảnh: REUTERS
APEC 2001 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Tổng thống Mỹ George W. Bush bắt tay và thì thầm với người đồng cấp Trung Quốc Giang Trạch Dân trong bộ áo lụa truyền thống đời Đường - Ảnh: REUTERS
Đồng phục của APEC 2005 là bộ Hanbok của Hàn Quốc. Trong ảnh, từ trái qua: Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Úc John Howard và Tổng thống Peru Alejandro Toledo. Các nhà lãnh đạo rất thoải mái trong các bức ảnh chụp chung - Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo APEC mặc áo dài Việt Nam tại APEC 2006 ở Hà Nội. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cười rất tươi khi mặc bộ áo dài có hình hoa sen cách điệu - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam tại APEC 2006 - Ảnh: REUTERS
T
APEC không chỉ là nơi các nhà lãnh đạo bàn về kinh tế. Đó còn là nơi họ gặp gỡ, trao đổi quan điểm trong các cuộc gặp bên lề, song phương về những vấn đề cùng quan tâm hoặc gút mắc tồn đọng. Sau các bức ảnh chụp chung, các nhà lãnh đạo trở về trang phục thường thấy là đồ vest cùng cà vạt. Trong ảnh: Tổng thống Peru Alan Garcia (trái), Thủ tướng Úc Julia Gillard (giữa) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trao đổi trong một cuộc họp cấp cao APEC 2010 tại Nhật Bản - Ảnh: APEC
APEC 2013 tại Indonesia. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đại diện Việt Nam tham dự. Trong ảnh: Ông John Kerry - ngoại trưởng Mỹ, trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Nga nằm trong số những nguyên thủ quốc gia tham dự cấp cao APEC nhiều nhất - Ảnh: REUTERS
APEC 2014 tại Trung Quốc. Trật tự thế giới được thể hiện trong một bức hình. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trò chuyện với ông Putin (thứ hai từ trái sang) trong lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang say sưa nói với phu nhân của ông Tập. Theo một thống kê chưa chính thức, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (trái) là nguyên thủ quốc gia tham dự các hội nghị cấp cao APEC nhiều nhất, với 21 lần - Ảnh: REUTERS
Theo Tuổi trẻ Online