ClockThứ Hai, 28/08/2017 11:51

Nước Anh bước vào vòng đàm phán Brexit thứ 3 với thái độ mềm dẻo

Chính phủ Anh thể hiện một loạt các động thái mềm mỏng với phía châu Âu trước vòng đàm phán Brexit thứ 3 diễn ra vào ngày 28/8 tại Brussels.

EU, Anh tiếp tục đàm phán về Brexit tại BrusselsĐàm phán Brexit sẽ bắt đầu bằng vấn đề tình trạng công dân

Vòng đàm phán thứ 3 về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu bắt đầu vào hôm nay (28/8) tại Thủ đô Brussels của Bỉ và sẽ kết thúc vào ngày 31/8.

Được khởi động trở lại sau một kỳ nghỉ Hè, vòng đàm phán này được chờ đợi sẽ mang đến những bước đột phá đầu tiên sau 2 vòng đàm phán đầu mang nặng tính kỹ thuật và lễ tân.

Ngay trước khi đến Brussels, phía chính phủ Anh trong vài ngày qua đang liên tục phát đi các tín hiệu cho thấy, nước này đã có những điều chỉnh đáng chú ý về mặt chiến lược tiếp cận Brexit. Sau khi công bố bản tài liệu kỹ thuật về mục tiêu đàm phán Brexit cách đây 2 tuần, trong đó thể hiện rõ xu hướng muốn tránh một “Brexit cứng”, phía chính phủ Anh tiếp tục phát đi thông điệp muốn Liên minh châu Âu đàm phán một cách “linh hoạt”.

Nước Anh không muốn mình và Liên minh châu Âu giậm chân tại chỗ trong đàm phán Brexit. (Ảnh minh họa: Reuters)
Hôm Chủ nhật (27/8), báo chí Anh đăng tải thông tin được cho là phát đi từ chính phủ Anh cho biết, nước Anh không muốn Liên minh châu Âu và nước Anh giậm chân tại chỗ trong đàm phán Brexit mà hai bên cần linh hoạt và có những nhượng bộ lẫn nhau trong một số chủ đề.

Để minh chứng cho cách tiếp cận này, hôm 23/8, phía Anh đã thay đổi quan điểm cứng rắn trước đây về Toà tư pháp châu Âu khi đồng ý rằng sẽ thiết lập 1 cơ quan xét xử chung dưới dạng trọng tài, trong đó có sự góp mặt của các thẩm phán châu Âu, để xét xử khi có các tranh chấp giữa Liên minh châu Âu và Anh.

Trong tuyên bố nêu ra, phía Anh chỉ rõ sẽ “đặt dấu chấm hết cho thẩm quyền trực tiếp của Toà tư pháp châu Âu”, nhưng chấp nhận một vai trò “gián tiếp” của Toà này, kể cả trong giai đoạn quá độ dự kiến kéo dài 2 - 3 năm sau tháng 3/2019, tức là giai đoạn nước Anh chưa hoàn toàn rời khỏi Liên minh châu Âu.

Đây được xem là một nhượng bộ lớn từ phía Anh bởi cho đến tháng 3 năm nay, nữ Thủ tướng Anh Theresa May vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm rằng nước Anh sẽ không chấp nhận bất cứ phán quyết nào từ phía Toà tư pháp châu Âu một khi đã rời khỏi Liên minh châu Âu.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu phía Liên minh châu Âu có chấp nhận thái độ mềm dẻo từ phía Anh và cũng đưa ra các nhượng bộ tương tự hay không?

Cho đến thời điểm này, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu vẫn đang kiên định với các mục tiêu đặt ra ngay từ đầu, đó là đòi hỏi phía Anh phải đưa ra được giải pháp thoả mãn cho 3 vấn đề quan trọng hàng đầu của Brexit, sau đó mới chấp nhận đàm phán về quan hệ kinh tế tương lai.

Vấn đề đó là số phận của hơn 3 triệu công dân Liên minh châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, về vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh. Đặc biệt quan trọng là về chi phí mà nước Anh phải trả khi rời Liên minh châu Âu, dự kiến từ 40 - 50 tỷ euro.

Quả bóng hiện đang trong chân Liên minh châu Âu bởi bối cảnh hiện tại cũng như lịch trình đàm phán trong thời gian tới đang có lợi cho Liên minh châu Âu. Tại nước Anh, sự chỉ trích và nghi ngờ về năng lực đàm phán Brexit của chính phủ Anh đang gia tăng, đồng bảng Anh liên tục mất giá và đang gần như ở mức cân bằng với đồng euro, điều chưa từng xảy ra từ khi đồng euro được đưa vào lưu thông.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu có dấu hiệu phục hồi rõ nét, cuộc bầu cử liên bang vào cuối tháng 9 tại Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu, được dự đoán sẽ diễn ra êm ả và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn đang thể hiện một sự đoàn kết hiếm có về vấn đề Brexit.

Chính vì thế, giới quan sát nhận định, những ngày tới sẽ là khoảng thời gian vất vả với các nhà đàm phán Anh, đặc biệt trong việc thuyết phục phía Liên minh châu Âu đồng ý bước sang giai đoạn đàm phán về quan hệ kinh tế tương lai kể từ vòng đàm phán thứ 4 sẽ diễn ra trong tháng 10 tới./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top