ClockThứ Năm, 16/03/2017 15:01

Nước Pháp đang trải qua một mùa bầu cử lạ lùng với đầy biến động

Kể từ đầu mùa bầu cử tổng thống đến nay, nước Pháp liên tục trải qua nhiều cú sốc với các cáo buộc gian lận, tham nhũng, các cuộc điều tra, khởi tố nhằm vào các ứng cử viên chạy đua vào Điện Elysée.

Pháp: hai ứng viên Tổng thống dính líu luật phápBầu cử Pháp: Ứng cử viên Macron tuyên bố sẽ bảo vệ tầng lớp trung lưuỨng viên Tổng thống Pháp Fillon quyết tranh cử bất chấp nhiều bất lợiBầu cử Tổng thống Pháp: Emmanuel Macron tìm cách khôi phục vị thế

Các ứng cử viên Tổng thống Pháp. (Nguồn: newstatesman.com)

Càng gần đến ngày bầu cử vòng một (23/4), cuộc đua càng trở nên khốc liệt và nhiều bê bối. Bên cạnh đó là sự chia rẽ trong nội bộ các đảng khiến nhiều đảng truyền thống đứng trước nguy cơ tan vỡ. Bối cảnh đó khiến cử tri Pháp, vốn đã rất thất vọng vì những khó khăn kinh tế kéo dài thời gian qua, càng trở nên hoài nghi trước các cam kết tranh cử của các ứng cử viên và lo lắng về những giá trị sẽ được bảo vệ trong tương lai. 

Sau hàng loạt vụ bê bối liên quan tới “việc làm khống,” khoản vay 50.000 euro không khai báo và việc một người bạn chi hàng chục nghìn euro để mua tặng những món đồ đắt tiền, ứng cử viên sáng giá thuộc đảng cánh hữu "Những người Cộng hòa" (LR) François Fillon đã chính thức bị truy tố với nhiều tội danh, trong đó có tội lạm dụng công quỹ. 

Các cáo buộc cùng các cuộc điều tra, đặc biệt là quyết định khởi tố của cơ quan tư pháp, đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Fillon sụt giảm mạnh. 

Việc ông giành được sự ủng hộ tuyệt đối của đảng "Những người Cộng hòa" để có thể tiếp tục chiến dịch tranh cử tổng thống không hề khiến tỷ lệ ủng hộ ông tăng cao trở lại. Tỷ lệ đó luôn xấp xỉ ở mức 20% nhờ những cử tri trung thành với LR, song nguy cơ ông bị loại ngay từ vòng một là rất lớn, do ông luôn đứng ở vị trí thứ ba sau hai đối thủ là Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN), bà Marine Le Pen và ứng cử viên trung dung – Emmanuel Macron.

Tiếp nối ứng cử viên Fillon, bà Le Pen, vốn được coi là một trong những ứng cử viên hàng đầu, cũng bị mất uy tín do vướng vào bê bối lạm dụng công quỹ của Nghị viện châu Âu (EP) để trả lương cho các trợ lý với khoản tiền tổng cộng 298.500 euro từ tháng 12/2010 đến tháng 2/2016. Nghị viện châu Âu cũng đã tước quyền miễn trừ truy tố của bà vì hành vi chia sẻ các hình ảnh bạo lực của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, bà cho rằng những việc này nằm trong một "âm mưu chính trị" nhằm làm giảm tỷ lệ ủng hộ bà đang lên cao. 

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, người đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký cho chức tổng thống Pháp, cũng không tránh khỏi sự giám sát của giới truyền thông và công luận. Cơ quan công tố Paris đã mở cuộc điều tra sơ bộ với tội danh "thiên vị và đồng lõa" liên quan đến một chuyến công du của ông với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế tại sự kiện Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng được tổ chức tháng 1/2016 tại Las Vegas (Mỹ). 

Ngoài ra, Hiệp hội chống tham nhũng của Pháp (Anticor) đã kiến nghị lên Cơ quan cấp cao Minh bạch về đời sống công, yêu cầu xác minh việc kê khai tài sản của ứng cử viên Macron do có sự "thiếu nhất quán" giữa thu nhập thực tế và giá trị tài sản kê khai của ứng cử viên này. Theo Anticor, số tiền chênh lệch lên đến hàng triệu euro. 

Trong khi đó, cánh tả Pháp vẫn tiếp tục bị phân hóa với sự đối đầu giữa hai phái: phái "thực tế" gồm những người đang điều hành chính phủ và phái "ảo tưởng" tập hợp những người "bất mãn" trong đảng Xã hội (PS). Điều trớ trêu là chính ứng cử viên Benoît Hamon, người chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ của cánh tả lại nằm trong số những người "bất mãn," có quan điểm rất khác biệt với chính phủ. 

Vì thế, cựu Thủ tướng Manuel Valls đã tuyên bố không ủng hộ ứng cử viên Benoît Hamon do ông nhận thấy có sự "chệch hướng" trong chương trình tranh cử và "chủ nghĩa bè phái" của ứng cử viên này. Trên thực tế, ông Hamon đã không thể tập hợp được đông đảo các thành viên đảng PS cũng như cử tri cánh tả do có hai quan điểm đại diện cho hai phái không thể dung hòa được trong nội bộ đảng PS. 

Ngoài ra, việc ông Hamon không đạt được liên minh với ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon của phong trào "Nước Pháp bất khuất" cũng cho thấy một cánh tả của nước Pháp nói chung và một đảng Xã hội nói riêng đang bị chia rẽ sâu sắc với các quan điểm hoàn toàn khác biệt về mô hình xã hội và mô hình tăng trưởng. 

Tranh cãi gay gắt giữa các ứng cử viên thời gian qua không những không thuyết phục được cử tri Pháp mà còn khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Các vụ bê bối đang được điều tra đã khiến cử tri Pháp hoài nghi về sự trung thực của các ứng cử viên. Nhiều người Pháp cho biết họ đã chán ngấy các chính trị gia – những người đã tận dụng các kẽ hở để trục lợi. Họ cũng không thấy có sự khác biệt giữa các ứng cử viên vì điều họ quan tâm là cải thiện cuộc sống, song với tất cả các ứng cử viên hiện nay, dù là tả hay hữu, cuộc sống của họ không có gì thay đổi cả. 

Trong bối cảnh liên tục có nhiều biến động, nếu các lực lượng tiến bộ không thể hiện được khả năng tập hợp lực lượng và liên minh với nhau thì nguy cơ chiến thắng của đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" ngày càng trở thành hiện thực, vì cho đến nay, ứng cử viên Marine Le Pen vẫn luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận./. 

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng USD thắng thế khi bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần

Chỉ số đồng USD đã tăng vào phiên cuối tuần 25/10, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số này nhờ các số liệu kinh tế giúp duy trì kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ổn định. Giới đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 10/2024 của Mỹ, dự kiến được công bố vào tuần tới.

Đồng USD thắng thế khi bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần
Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm:
Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 7/10 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời sân bay Orly, thủ đô Paris lên đường về nước kết thúc tốt đẹp các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3/10 -7/10/20024, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Pháp

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới CH Pháp trong các ngày 4 - 7/10/2024, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng về quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Đại sứ Đinh Toàn Thắng Nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Pháp
Return to top