Khu vực khai thác vàng gây nhiều ô nhiễm ở Peru. Ảnh: AFP
Tổng thống Peru Ollanta Humala đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày tại 11 huyện của vùng Madre de Dios gần biên giới phía đông nam đất nước với Brazil, Bộ trưởng Môi trường Manuel Pulgar-Vidal ngày hôm qua công bố.
"41% dân số Madre de Dios phải tiếp xúc với ô nhiễm thủy ngân," ông Pulgar-Vidal cho biết trong một cuộc họp báo.
Là một phần trong các trường hợp khẩn cấp, chính phủ tuyên bố sẽ cung cấp cho nguồn cá không bị ô nhiễm cho người dân ở Madre de Dios và gửi các tàu bệnh viện đến khu vực này để giúp điều trị cho những người bị ảnh hưởng. Các nhà chức trách cũng sẽ thiết lập các trạm y tế di động và các trung tâm giám sát, đồng thời tiến hành các chiến dịch giáo dục cho người dân, theo lời Bộ trưởng Pulgar-Vidal.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có các yếu tố độc hại trong cơ thể những cư dân Madre de Dios, ở mức độ nguy hiểm. Thủy ngân cũng được tìm thấy ở các con sông và nhiều loại cá.
Cư dân từ nhóm bản địa Harakmbut là những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nồng độ thủy ngân cao gấp 6 lần so với mức khuyến nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Percy Minaya tiết bộ.
Các yếu tố độc hại, được sử dụng bởi những người thợ mỏ bất hợp pháp để tách quặng ra từ đá, ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể sống như các mô của hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, phổi và thận, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Trở lại năm 2012, chính phủ đã phát động một chiến dịch truy quét nạn khai thác vàng tự phát ở vùng Madre de Dios, nhưng đã thất bại vì giá vàng cao đã khiến hàng ngàn thợ mỏ đổ về khu vực này trong thập kỷ qua.
Mỗi năm, các thợ mỏ đổ khoảng 40 tấn thủy ngân vào các hồ và sông ngòi ở Peru, các vùng nước mà các cộng đồng bản địa và nông thôn chủ yếu dựa vào nguồn cá của mình.
"Chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả của các hoạt động khai thác mỏ ở Madre de Dios trong cả 80 năm tới", Bộ trưởng Pulgar-Vidal cảnh báo.
Peru là nước sản xuất vàng lớn nhất nước Mỹ Latinh. Tổ chức chống tội phạm xuyên quốc gia toàn cầu (GIATOC), công bố một báo cáo tháng trước, cho thấy 28% lượng vàng ở Peru đều được chiết xuất trái phép, và ước tính có khoảng 35 tấn vàng lậu theo cách này đã được đưa đến Mỹ và Thụy Sĩ chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Washington Post)