ClockThứ Sáu, 22/07/2016 14:22

Ông Donald Trump cam kết đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại

Tối 21/7 (sáng 22/7 theo giờ Việt Nam), đảng Cộng hòa đã bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 41 được tổ chức tại thành phố Cleveland của tiểu bang Ohio để bầu các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới.

Donald Trump chiến thắng thuyết phục tại Đại hội đảng Cộng hòa Mỹ​Ông Trump chính thức là ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa

Ông Donald Trump phát biểu tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 10/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN đưa tin từ Cleveland cho biết sau 4 ngày làm việc, Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa đã bầu tỷ phú Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống của đảng, và bầu Thống đốc tiểu bang Indiana Mike Pence vào vị trí ứng cử viên liên danh tranh cử Phó Tổng thống.

Trong bài diễn văn được đánh giá là tuyên ngôn chính trị sau khi được đề cử vào cương vị ứng cử viên tổng thống, tỷ phú Donald Trump tuyên bố ông vinh dự và tự hào chấp nhận đề cử của các đại biểu đảng Cộng hòa để “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Ông Trump khẳng định sẽ đánh bại bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ để đưa đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng.

Liên quan tới các vấn đề đối nội, ông Trump cho rằng những chính sách thất bại và yếu kém của chính quyền Tổng thống Barack Obama 8 năm qua đã khiến nước Mỹ bị tổn thương, cảnh sát trở thành mục tiêu tấn công, chủ nghĩa khủng bố xuất hiện tại tất cả các thành phố, tỷ lệ tội phạm và bạo lực gia tăng, số người thất nghiệp và doanh nghiệp phá sản ở mức cao kỷ lục.

Ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng cam kết ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp, những người bị ông cáo buộc “đánh cắp” công ăn việc làm của người lao động Mỹ.

Liên quan tới vấn đề kinh tế, ông Trump cho rằng nước Mỹ đã rơi vào một cuộc khủng hoảng sau 8 năm dưới thời chính quyền đảng Dân chủ, với việc 14 triệu lao động thất nghiệp, thâm hụt thương mại lên tới 800 tỷ USD/năm và là mức cao nhất mọi thời đại, nợ quốc gia tăng gấp đôi lên 19.000 tỷ USD.

Liên quan tới chính sách đối ngoại, ông Donald Trump cho rằng gần 1 thập kỷ qua, Mỹ đã chi hàng trăm tỷ USD cho các cuộc chiến tại Iraq, Libya, Syria hay Ai Cập.

Tuy nhiên, hàng trăm binh sĩ Mỹ vẫn thiệt mạng, nước Mỹ vẫn “quay cuồng” với mối đe dọa khủng bố, trong khi Iraq, Syria, Ai Cập vẫn chìm trong bất ổn.

Ngoài ra, Trung Đông cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đang hàng ngày phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Iran thì vẫn đang trên đường tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông Trump cáo buộc những điều này chính là di sản của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ứng cử viên này cũng tuyên bố ủng hộ các cuộc đàm phán thương mại song phương với từng quốc gia cụ thể. Kết thúc bài diễn văn, ông Donald Trump cam kết sẽ lãnh đạo nước Mỹ đoàn kết, an toàn, hùng mạnh và vĩ đại trở lại.

Trước đó, các đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa cũng đã nhất trí thông qua cương lĩnh định hướng chính sách của đảng trong những năm sắp tới.

Bản cương lĩnh được coi là văn kiện phác thảo đường lối-quan điểm chính sách của ứng cử viên Donald Trump nói riêng và đảng Cộng hòa nói chung trong chiến dịch bầu cử năm 2016.

Cương lĩnh đảng Cộng hòa năm 2016, gồm 58 trang, đề cao những giá trị truyền thống của đảng này và được đánh giá là “bản cương lĩnh bảo thủ nhất trong lịch sử hiện đại.”

Cương lĩnh thể hiện rõ một số quan điểm chính trị của ứng cử viên tổng thống của đảng - Donald Trump. Về thương mại, đảng Cộng hòa về cơ bản ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu trong các tiến trình đàm phán và quan hệ thương mại toàn cầu.

Đây là quan điểm đã được ông Trump nhắc tới nhiều lần trong chiến dịch bầu cử sơ bộ vừa qua, bao gồm cả việc phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đối với vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, bản cương lĩnh của đảng Cộng hòa nêu rõ trọng tâm tăng cường an ninh dọc tuyến biên giới phía Nam giáp Mexico, ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép, “cấm cửa” những đối tượng có nguy cơ gây đe dọa an ninh nội địa của Mỹ và yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải gánh vác trách nhiệm an ninh lớn hơn.

Đại hội toàn quốc năm 2016 là một trong những đại hội được tổ chức với qui mô lớn nhất trong lịch sử đảng Cộng hòa. Gần 5.000 đại biểu của các tiểu bang đã tham dự đại hội, đóng góp hàng chục bài tham luận và diễn văn. Khoảng 15.000 nhà báo của Mỹ và các nước đã có mặt tại thành phố Cleveland từ ngày 18-21/7 để đưa tin về đại hội. Công tác an ninh được siết chặt nghiêm ngặt với hơn 5.000 cảnh sát và hàng nghìn binh sĩ Vệ binh Quốc gia được triển khai 24/24 giờ trên các đường phố ở Cleveland.

Bên cạnh đó, nhà chức trách ước tính hơn 50.000 du khách đã đổ về thành phố này trong 4 ngày diễn ra đại hội. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những đại hội gây tranh cãi nhất lịch sử của đảng Cộng hòa.

Có tới 15 thượng nghị sỹ Cộng hòa và hàng chục chính khách đã không tham dự đại hội để bày tỏ sự phản đối ông Donald Trump.

Trong số này có những nhân vật nổi tiếng của đảng Cộng hòa như Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện John McCain, cựu ứng cử viên tổng thống Mitch Romney, Thượng nghị sỹ bang Florida Marco Rubio, Thượng nghị sỹ bang Kentucky Rand Paul và các thành viên gia tộc lừng danh Bush.

Ngay cả Thống đốc bang đăng cai đại hội Ohio, ông John Kasich, cũng từ chối tham dự.

Gần 1 tuần sau Đại hội lần thứ 41 của đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ cũng sẽ tiến hành đại hội toàn quốc tại thành phố Philadelphia từ ngày 25-28/7 để bầu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng. Nếu không có gì bất ngờ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ chính thức được trao tấm vé đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.

Kết quả các cuộc thăm dò qua điện thoại và mạng Internet trong ngày 21/7 cho thấy hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đang bám nhau khá sít sao.

Theo kết quả thăm dò chung của NBC News/Wall Street Journal, bà Hillary đang có 42% số phiếu ủng hộ của cử tri, trong khi tỷ lệ này bên phía ông Trump là 38%./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top