|
Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh Balkan ở Điện Elysee, thủ đô Paris hôm 4/7. Ảnh: AP
|
Những bất ổn xuất hiện sau khi người dân Anh quyết định bỏ phiếu để rút khỏi EU đang làm các quốc gia ở khu vực Balkan lo lắng rằng, họ sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại để trở thành thành viên của EU, khi chính liên minh này cũng đang phải nỗ lực để đoàn kết các thành viên còn lại.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về sự ổn định của châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Balkan diễn ra ở Paris vào hôm 4/7, nhất là bằng cách thúc đẩy các cơ hội dành cho công dân trẻ từ các nước muốn gia nhập EU.
Theo đó, giữa lúc lo ngại Brexit có thể đóng kín cánh cửa cho thanh niên Balkan tìm đến cơ hội ở phương Tây, các nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận về việc trao đổi thanh niên với các nước không phải là thành viên EU, cũng như cấp thị thực đặc biệt và thành lập một "văn phòng dành cho thanh niên Balkan".
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, chiến lược mở rộng của EU "không bị thay đổi bởi quyết định của Vương quốc Anh".
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh Balkan, Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic cho biết, châu Âu "là nơi mang lại tương lai tốt nhất cho người dân của chúng tôi". "Chúng tôi hiện có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều nỗ lực cần được thực hiện. Nhưng đối với chúng tôi, triển vọng rõ ràng của đất nước là ở châu Âu", ông Aleksandar Vucic nói với các phóng viên tại Điện Elysee.
Trong một diễn biến liên quan, các nhà lãnh đạo đến từ Serbia, Montenegro, Macedonia, Bosnia, Kosovo và Albania cho hay, Brexit sẽ không làm giảm bớt nỗ lực để trở thành thành viên EU của họ.
Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Balkan ngày 4/7 cũng thảo luận biện pháp phòng chống những kẻ cực đoan trà trộn vào người tị nạn trên khắp châu Âu. Theo các nhà lãnh đạo, một số phần tử cực đoan đã trà trộn vào hơn 1 triệu người tị nạn để đi vào châu Âu hồi năm ngoái thông qua khu vực Balkan, tuyến đường tị nạn phần lớn đã bị đóng cửa, nhưng áp lực về làn sóng tị nạn vẫn còn hiện hữu.
Thủ tướng Croatia Tihomir Oreskovic phát biểu: "Chúng ta phải nghĩ cách để làm tất cả những gì có thể nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa khủng bố, cũng như những tay súng nước ngoài".
Được biết, bà Merkel và ông Hollande đã có cuộc gặp với Thủ tướng Áo, Bộ trưởng Tài chính Italy và các nhà lãnh đạo đến từ Albania, Bosnia-Herzegovina, Croatia, Kosovo, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia.
Thanh Ngân (Lược dịch từ AP & Abcnews)