Thứ Sáu, 02/06/2017 06:20
(GMT+7)
Pháp, Italy, Đức ra tuyên bố chung bảo vệ Thỏa thuận Khí hậu Paris
TTH.VN - Italy, Pháp và Đức ngày 1/6 cho biết, họ tiếc cho quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, đồng thời phản đối đề xuất của ông về việc sửa đổi thỏa thuận toàn cầu này.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc gặp ở thủ đô Berlin, Đức hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi cho rằng, đà phát triển của thỏa thuận Paris từ tháng 12/2015 không thể đảo ngược. Chúng tôi tin tưởng, thỏa thuận này không thể được đàm phán lại, bởi đó là một công cụ quan trọng cho hành tinh, xã hội và nền kinh tế của chúng ta", Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một tuyên bố chung.
3 nhà lãnh đạo cũng kêu gọi các đồng minh tăng tốc nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định họ sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tuần trước, lãnh đạo 3 nước đã cố gắng thuyết phục ông Trump ở lại thỏa thuận.
Tuy nhiên ngày 1/6 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris. Tuyên bố chung Pháp-Italy-Đức cũng được công bố chỉ 1 giờ sau khi ông Trump thông báo quyết định này.
"Chúng tôi tin rằng, việc thực hiện thỏa thuận Paris mang lại cơ hội kinh tế đáng kể cho sự thịnh vượng và tăng trưởng ở các quốc gia và trên quy mô toàn cầu. Do đó, chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất của mình là nhanh chóng thực hiện thỏa thuận Paris, bao gồm các mục tiêu tài chính về khí hậu và chúng tôi khuyến khích tất cả các đối tác đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu", 3 lãnh đạo nhấn mạnh.
Pháp, Italy và Đức cho hay, họ sẵn sàng làm nhiều hơn trong trường hợp không có các khoản tiền của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, nhất là những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng", 3 nhà lãnh đạo nói thêm.
Mỹ đóng góp khoàng 15% lượng khí thải carbon toàn cầu, song cũng là nguồn tài trợ vốn và công nghệ quan trọng cho các quốc gia đang phát triển, giúp họ chống chọi với nhiệt độ tăng.
Thỏa thuận Paris năm 2015 nhận được sự nhất trí của gần 200 quốc gia, nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất gia tăng, bằng cách giảm khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo thỏa thuận này, Mỹ cam kết giảm 26-28% lượng khí thải đến năm 2025, so với mức khí thải năm 2005.
|
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & BBC)