Thứ Sáu, 22/07/2016 14:22
(GMT+7)
Quốc hội Pháp chính thức thông qua Luật lao động gây tranh cãi
Bất chấp các ý kiến bất đồng, Quốc hội Pháp đã chính thức thông qua Luật lao động mà các công đoàn cho là có lợi cho giới chủ.
Hôm qua (21/7), bất chấp những ý kiến bất đồng và chia rẽ, Quốc hội Pháp cuối cùng chính thức thông qua một dự luật về Lao động gây tranh cãi, khiến nước Pháp trở nên rối ren thời gian qua vì các cuộc biểu tình phản đối.
|
Dân Pháp phản đối Luật lao động. Ảnh: France24h. |
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết, Chính phủ nước này đã sử dụng điều 49-3 trong Hiến pháp để thông qua dự luật Lao động mà không cần phải trải qua tranh luận và bỏ phiếu tại Quốc hội. Ông Valls đồng thời nhấn mạnh, quyết định vừa nêu là sự cần thiết cho tương lai của nước Pháp.
Với Luật lao động mới này, Chính phủ Pháp muốn khuyến khích các doanh nghiệp tăng tuyển dụng người lao động khi ít bị ràng buộc hơn bởi các khoản đóng góp bồi thường cho người lao động. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn lại chỉ trích rằng, các quy định đó sẽ chỉ có lợi cho giới chủ dễ dàng sa thải công nhân hay kéo dài tuần làm việc. Trong nhiều trường hợp, giới chủ sẽ chỉ thương lượng trực tiếp với người được tuyển dụng mà không cần thông qua tổ chức công đoàn.
Sở dĩ, chính phủ Pháp phải sử dụng điều 49-3 cho gói cải cách này vì không thể “trông mong” vào lá phiếu ủng hộ của phe cánh tả trong Đảng Xã hội đối lập.
Điều 49-3 trong hiến pháp Pháp quy định, một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều khoản này được coi là một “ngoại lệ” nhằm tránh tình trạng bị “đóng băng” của một dự thảo luật khi có tranh chấp giữa 2 nhánh hành pháp và lập pháp ( Chính phủ và Quốc hội).
Tuy nhiên, khi mà Chính phủ sử dụng điều khoản này thì Quốc hội lại có quyền yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, Chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một Chính phủ mới./.
Theo VOV