ClockThứ Ba, 19/06/2018 15:03

Sau Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump muốn hàn gắn quan hệ với Nga?

Khoảng 1 tuần sau thành công tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây tiếp tục theo đuổi một cuộc đối thoại với Nga.

Tổng thống Trump tái khẳng định việc đưa Nga trở lại G8Hội nghị thượng đỉnh G7: Mỹ muốn Nga trở lại, EU chưa nhất tríMáy bay chở khách của Mỹ tiếp tục được bay qua không phận NgaMỹ đề xuất gặp thượng đỉnh với Nga tại Nhà TrắngMỹ ủng hộ hợp tác với Nga trong vấn đề Afghanistan

Tờ Bưu điện Washington dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết, ông Donald Trump dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 7 khi ông tới Châu Âu để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh NATO.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hàn gắn quan hệ với Nga. Ảnh: Reuters.
Hiện, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đang thu xếp cho một phái đoàn gồm các nghị sỹ của Đảng Cộng hòa đến thăm Moscow, nhằm đặt nền móng cho cuộc gặp Thượng đỉnh. Andrea Kalan, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Nga cho biết: “Chi tiết về lịch trình và cuộc họp, chúng tôi sẽ thông báo cho cơ quan đại diện của Đảng Cộng hòa, Ngài Đại sứ Jon Huntsman luôn ủng hộ việc tiến hành thêm nhiều cuộc đối thoại với các quan chức Nga”.

Trong thông báo trên tờ Sputnik ngày 19/6, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng xác nhận các hoạt động chuẩn bị cho chuyến thăm đang được tiến hành, đồng thời hy vọng chuyến thăm này sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với mối quan hệ giữa hai nước.

Tuyên bố của Đại sứ quán Nga nêu rõ: “Chúng tôi đã được thông báo về việc một nhóm các nghị sỹ Mỹ đang chuẩn bị tới thăm Moscow. Đối thoại liên nghị viện là một phần quan trọng trong tiếp xúc giữa hai nước. Chúng tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ thúc đẩy và ảnh hưởng tích cực đến quan hệ song phương”.

Địa điểm tiềm năng

Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn thạo tin ngày 19/6 cho biết, thủ đô Vienna của Áo đang được xem xét là địa điểm tiềm năng để tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Putin.

Theo tờ Nhật báo phố Wall, Tổng thống Putin đã thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Áo Sebastian Kurtz. Sau đó, một quan chức Nhà Trắng cũng lên tiếng xác nhận, Chính phủ Áo đã thông báo với Chính phủ Mỹ rằng, nước này sẵn sàng đứng ra đăng cai sự kiện nói trên. Áo vốn là quốc gia có quan hệ gần gũi với cả Nga và Mỹ.

Theo kế hoạch, cuộc gặp có thể diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến trong hai ngày 11 và 12/7 tới tại Brussels. Trước đó, phát biểu với báo chí hôm 15/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận khả năng ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Nga vào mùa hè này.

Mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Mối quan tâm đối với cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ của ông Donald Trump được tiết lộ từ hồi tháng 3 vừa qua sau khi Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời mời đến nhà lãnh đạo Nga qua cuộc điện thoại.

Tuy nhiên các quan chức Mỹ nói rằng ông Trump từng kín đáo hỏi các cố vấn của mình về một cuộc gặp như vậy khi ông có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Putin hồi tháng 11/2017, bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.  Phát biểu với tờ Bưu điện Washington, một quan chức Mỹ cho biết: “Sau cuộc gặp, Tổng thống nói muốn mời ông Putin tới Nhà Trắng, nhưng chúng tôi đã lờ đi”.

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin đã gặp nhau bên lề một số sự kiện quốc tế, dẫu vậy hai bên chưa từng tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh song phương kể từ khi quan hệ Nga-Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Đề xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này xuất phát từ quan điểm cho rằng, hai nhà lãnh đạo có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề chính trị lớn tại Trung Đông và Châu Âu.

Hãng thông tấn TASS của Nga trích lời Yuri Rogulev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Mỹ Franklin Roosevelt tại Đại học Quốc gia Moscow nhận định: “Với quyết tâm xúc tiến cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga, ông Trump đã cho thấy sự nhất quán khi thực thi các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016, dù hiện tại, ông chưa sẵn sàng hàn gắn quan hệ với Nga. Khi bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ, Tổng thống Trump đang cố gắng thiết lập lại mối quan hệ đối với Nga. Tuyên bố của ông về việc đưa Nga trở lại G7 cũng là một động thái đầy thiện chí”.

Phát biểu với tờ Washington, Angela Stent – chuyên gia chính trị người Nga cho biết: “Từ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã có cuộc đối thoại thành công với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và giờ đây ông muốn làm điều tương tự với Tổng thống Putin”.

Một số quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ lạc quan khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ nếu diễn ra, có thể giúp thu hẹp bất đồng quan điểm  kéo dài giữa hai bên về vấn đề Ukraine, Syria, an ninh mạng và cáo buộc can thiệp bầu cử. Nhưng một số người khác lại hoài nghi cho rằng tổ chức hội nghị như vậy ở thời điểm hiện tại là quá sớm.

“Không nghi ngờ gì về việc hai bên mong muốn thấy Hội nghị như vậy nhanh chóng thực hiện, nhưng nó không thể được hiện thực hóa trong một sớm một chiều. Sẽ là miễn cưỡng khi Tổng thống tự đặt mình vào một cuộc gặp nơi ông phải đối thoại về nhu cầu và lợi ích của Nga. Có rất nhiều công việc cần phải được thực hiện trước khi Hội nghị như vậy diễn ra”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ Bưu điện Washington.

Rào cản không dễ vượt qua

Nhiều quan chức Nhà Trắng đã lên tiếng phản đối việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ, khẳng định, Hội nghị này chỉ có ý nghĩa khi tạo ra bước đột phá về ít nhất một trong những vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự của Nga và Mỹ.

Cựu Thứ trưởng Nga và là người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Chính trị tại Moscow, ông Andrei Fyodorov cho biết,  Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton là một trong những nhân vật phản đối mạnh mẽ nhất. Phát biểu với hãng tin TASS, ông Andrei Fyodorov nói: “Ông Bolton là người có quan điểm cứng rắn đối với Nga. Ông luôn cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ chỉ thực sự giúp ích cho Tổng thống Donald Trump khi mang tới một thỏa thuận có nhiều lợi ích tương tự như thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa diễn ra tại Singapore.”

Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thì dùng những lời lẽ nghiêm trọng hơn, cáo buộc Nga đang có những hành động “gây rối trên trường quốc tế.”. Phát biểu khi đến thăm trường Cao đẳng Hải quân Mỹ tại Newport, ông Mattis nói: “Nga đang tìm cách chia rẽ NATO, phá vỡ mô hình dân chủ phương Tây và làm suy yếu các giá trị của Mỹ. Nga tương đồng với Mỹ về sức mạnh hạt nhân và nước này luôn cho thấy sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh hạt nhân, dù biết đây sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.” 

Ông Mattis khẳng định: “Dù theo đuổi một lộ trình hòa bình với Triều Tiên, chúng tôi vẫn đề cao cảnh giác trước những hành động theo đuổi vũ khí hạt nhân ở bất cứ nơi nào trên thế giới.”

Nhà phân tích Andrei Fyodorov nói rằng: “Hiện tại, Nhà Trắng chưa chắc chắn ông Trump có thể chứng tỏ được cuộc gặp Tổng thống Putin sẽ là một chiến thắng lớn trong chính sách ngoại giao, nhằm tạo được lợi thế trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới hay không. Chiến thắng này có thể là thỏa thuận làm sống lại tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Nga và Mỹ hay một thỏa thuận nhằm duy trì chính sách của Mỹ đối với Nga.”

Cùng chung quan điểm này, phát biểu với tờ Bưu điện Washington, chuyên gia Nga tại Hội đồng Atlantic, ông John Herbst khẳng định, Tổng thống Donald Trump đang rơi vào thế khó bởi ông đã lựa chọn những cố vấn có quan điểm cứng rắn đối với Nga, trong khi bản thân ông lại cố theo đuổi một chính sách cân bằng và có phần thân thiện với Nga hơn những người tiền nhiệm.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top