Báo cáo phân tích 100 quốc gia và nền kinh tế về khả năng hưởng lợi từ cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư - hay còn gọi là công nghiệp 4.0 - và sự gia tăng vũ bão của công nghệ sản xuất mới.
Công nhân đang làm việc trong nhà máy điện lạnh ở Bedok, Singapore. Ảnh: ST File
Singapore đã được xác định trong số 25 "nước dẫn đầu trong ngành chế tạo hiện nay và cũng sẽ có vị trí tốt về mặt sản xuất trong thời gian tới".
Quốc gia cộng hòa này đứng thứ hai thế giới - sau Hoa Kỳ - trong bảng xếp hạng "nhân tố thúc đẩy sản xuất" của báo cáo, sau khi đánh giá các biện pháp chủ chốt mà các quốc gia tiến hành nhằm tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp 4.0. Nước này cũng đứng thứ 11 trong danh mục "cấu trúc sản xuất", với việc đánh giá quy mô và sự phức tạp trong lĩnh vực sản xuất của một quốc gia.
Các nước khác trong top 25 bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Anh và Hoa Kỳ. Riêng top 25 đã chiếm hơn ba phần tư giá trị gia tăng sản xuất toàn cầu, báo cáo ghi nhận.
Top 25 nước dẫn dầu thế giới về sản xuất tiên tiến. Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)
Báo cáo cho biết các nước dẫn đầu có lợi thế của người tiên phong (first-mover's advantage), và kèm theo lưu ý: "Những nước đi đầu công nghệ và biến sự sẵn sàng thành những thay đổi trên thực tiễn có thể thu được những lợi ích cực kỳ to lớn”.
Báo cáo khẳng định năng lực sản xuất của Singapore “đã phát triển đáng kể, với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trong các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao như nghiên cứu và phát triển, và thiết kế sản phẩm”.
Nhưng nó cũng chỉ ra rằng không một quốc gia nào đã hoàn toàn sẵn sàng, và có thể khai thác đầy đủ tiềm năng của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất một cách đơn độc.
Ông Lim Kok Kiang, trợ lý giám đốc của Cơ quan Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), cho biết quốc gia này đang thể hiện những nỗ lực trong việc xây dựng một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các sản phẩm tiên tiến trong các doanh nghiệp.
EDB vừa đưa ra một loạt hướng dẫn vào tháng 11 năm ngoái nhằm giúp các nhà sản xuất xây dựng các nhà máy thông minh trong tương lai. Singapore cũng đã hợp tác với nhà sản xuất TUV SUD của Đức để xây dựng Chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index).
“Chuyển đổi là một quá trình mất nhiều năm liền, và còn nhiều thứ cần làm. Điều quan trọng là chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội thương mại và các tổ chức khác để nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo lực lượng lao động của chúng tôi được trang bị tốt để hỗ trợ quá trình sản xuất trong tương lai”, ông Lim nói thêm.
Thế Vĩnh (lược dịch từ Straitstimes)