Quay lại châu Phi
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May sẽ thực hiện chuyến thăm đến 3 nước châu Phi gồm Nam Phi, Nigeria và Kenya trong tuần này. Đây là chuyến thăm rất đáng chú ý nếu nhìn vào các dữ kiện sau: thứ nhất, đây là lần đầu tiên bà May đi thăm châu Phi kể từ khi lên nhậm chức Thủ tướng Anh vào tháng 7/2016. Thứ hai, chuyến thăm của bà May đến Kenya còn là chuyến đi đầu tiên của một Thủ tướng Anh đến nước này kể từ 30 năm qua, từ sau chuyến thăm của cố Thủ tướng Margaret Thatcher vào năm 1988.
|
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AIT online |
Vì thế, có thể coi đây là một chuyến đi có tính chất bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của chính phủ Anh hiện nay tại châu Phi. Cả 3 nước mà bà May đến thăm đều là các quốc gia nằm trong Khối Thịnh Vượng chung mà Vương quốc Anh là đầu tàu của khối này. Mục đích chuyến đi, vì thế, rất rõ ràng là nhằm củng cố lại vai trò và tầm ảnh hưởng của Anh trong khối, về mặt chính trị và quan trọng nhất là các liên kết kinh tế, trong bối cảnh nước Anh đang sắp rời khỏi Liên minh châu Âu và cần phải đẩy mạnh việc xây dựng các quan hệ đối tác lớn khác trên thế giới nhằm bù đắp cho các thiệt hại mà Brexit gây ra.
Có một thực tế, là trong nhiều năm qua , nước Anh đã khá “bỏ bê” các nước trong Khối Thịnh Vượng, chung dù đây là khối được coi là “sân sau” của Anh, nơi tầm ảnh hưởng của nước Anh vẫn còn rất lớn.
Nhưng hiện tại, khi bối cảnh Brexit tạo nên những thay đổi sâu sắc về chính trị xã hội với nước Anh, làm giảm vai trò của nước này tại châu Âu thì nước Anh cần phải đi tái chinh phục các vùng ảnh hưởng cũ.
Kenya, Nigeria và Nam Phi chính là các mục tiêu phù hợp, không chỉ đây là 3 quốc gia thuộc khối Thịnh Vượng chung có sự liên kết chặt chẽ về lịch sử và ngôn ngữ với Anh mà còn là 3 trong số những nền kinh tế lớn nhất tại châu Phi, ở cả 3 khu vực là Đông Phi, với Kenya là đại diện, Tây Phi với Nigieria và ở phía Nam châu Phi với Nam Phi.
Về tổng thể, với 53 nước và vùng lãnh thổ là thành viên, Khối Thịnh vượng chung có tổng sản phẩm GDP lên tới trên 13.000 tỷ USD, ít hơn đôi chút so với Liên minh châu Âu nhưng được dự đoán sẽ sớm vượt châu Âu, do có các nền kinh tế mới nổi có quy mô dân số lớn như Ấn Độ hay Nigeria.
Đó là một thị trường khổng lồ ở sân sau mà nước Anh cần tái chinh phục.
Tìm đối tác mới
Chuyến đi đến châu Phi của bà Theresa May nằm trong chiến lược tổng thể rộng lớn hơn của Anh, đó là đi tìm các đối tác kinh tế mới sau Brexit. Ngay sau khi Brexit diễn ra, nước Anh đã đề ra chiến lược này, với tên gọi là “chiến lược nước Anh toàn cầu”, tức là khác với khi nước Anh vẫn nằm trong Liên minh châu Âu và để mặc cho EU đàm phán các Hiệp định tự do thương mại, nay Vương quốc Anh sẽ phải tự đi tìm kiếm các Hiệp định đó trên khắp thế giới.
Từ đầu năm 2017, bà May đã có nhiều động thái để thúc đẩy tự do thương mại giữa Anh các nước lớn trong Khối Thịnh vượng chung, như Ấn Độ, Australia hay New Zealand… Bây giờ đến lượt các nước lớn tại châu Phi.
Vương quốc Anh có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước như Kenya, Nigieria hay Nam Phi… Thuận lợi lớn nhất, đó là các nước này đều là thành viên của Khối Thịnh vượng chung do Anh đứng đầu, vốn đã tạo dựng được các mối quan hệ lịch sử lâu dài với nước Anh, thông qua quá khứ thuộc địa. Qua nhiều thập kỷ, nước Anh đã duy trì sự hiện diện tại các quốc gia này, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả quốc phòng, an ninh.
Vì thế, cơ hội để Anh mở rộng thị trường vẫn còn rất lớn, đặc biệt khi đây đều là 3 nền kinh tế lớn của châu Phi, trong đó Nigeria và Nam Phi là 2 nền kinh tế lớn nhất châu lục này. Các nước này cũng có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao (Kenya tăng trưởng gần 6%), dân số đông (như Nigeria có trên 180 triệu dân, gấp gần 3 lần Anh), nhiều tài nguyên thiên nhiên, hoặc có vị trí địa chính trị quan trọng, đặc biệt là Kenya ở vùng Sừng châu Phi.
Cơ hội nào cho châu Phi?
Khi nước Anh tích cực quay lại châu Phi, các nước trong khu vực đương nhiên có lí do để chờ đợi những đổi thay tích cực. Đầu tư của Anh sẽ tăng, và để bù đắp cho phần thiếu hụt trong quan hệ thương mại với các nước châu Âu thời kỳ hậu Brexit, Anh cũng sẽ tăng cường nhập khẩu từ các nước châu Phi, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp.
Trong số các nước, Kenya đặc biệt chờ đợi chuyến thăm của bà May, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên 1 Thủ tướng Anh đến thăm Kenya sau 30 năm mà còn vì nhiều chủ đề quan trọng khác sẽ được bàn thảo.
Về mặt kinh tế, Kenya hy vọng việc Anh lập lại văn phòng cấp visa tại Nairobi để qua đó thúc đẩy du lịch. Kenya hiện là điểm du lịch thu hút khách nhiều nhất ở Đông Phi trong khi du khách Anh lại là nguồn du khác đông nhất đến vùng này.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là về mặt lợi ích chính trị và an ninh. Giữa Anh và Kenya đang có một số khúc mắc về an ninh, liên quan đến căn cứ huấn luyện quân sự của Anh tại Kenya.
Chuyến đi của bà May được hy vọng sẽ giúp khai thông vướng mắc. Điều này có ý nghĩa quan trọng với Kenya trong bối cảnh nước này ngày càng lo ngại vào sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như sự cạnh tranh với nước láng giềng đang phát triển mạnh là Ethiopia.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh vào Đông Phi với rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng tại Kenya. Mặt trái của tấm huy chương, là nợ của Kenya đang tăng rất nhanh và hiện Trung Quốc nắm giữ đến 72% nợ nước ngoài của Kenya. Vì vậy, Kenya hy vọng sự quay lại của Anh sẽ giúp nước này cân bằng các ảnh hưởng chính trị của các cường quốc trong khu vực.
Với hai nước Nigeria và Nam Phi, chuyến đi của bà May cũng có thể giúp các nước này thúc đẩy việc giải quyết một số vấn đề lớn, như hợp tác năng lượng tại Nigeria hay tháo gỡ xung đột liên quan đến cuộc cải cách đất đai đang gây rất nhiều căng thẳng tại Nam Phi.
Theo VOV